Ngày 21/3, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke cho rằng các mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tuy đã giảm đáng kể nhưng hệ thống tài chính-tiền tệ của Mỹ vẫn đứng trước các rủi ro lớn từ cuộc khủng hoảng này.
|
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke
|
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Giám sát và cải cách chính phủ của Hạ viện, ông Bernanke chỉ rõ gói cứu trợ lần thứ hai 172 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp cộng với việc các chủ nợ tư nhân đồng ý chia sẻ bớt gánh nặng nợ của Hy Lạp đã góp phần giảm thiểu mối nguy cơ của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Tuy nhiên, ông chủ ngân hàng trung ương Mỹ nhận định tình hình kinh tế châu Âu nói chung và khu vực tài chính nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải có thêm các bước đi, trong đó có việc phải tăng cường hơn nữa hệ thống ngân hàng và sử dụng thêm các biện pháp tài chính để ngăn chặn các khó khăn từ quốc gia này lây lan sang các quốc gia khác.
Với khoảng 35% tài sản của Mỹ nằm trong các quỹ thị trường tài chính của châu Âu, Chủ tịch Bernanke cảnh báo nếu tình hình châu Âu có những diễn biến đột ngột theo hướng xấu hơn thì không chỉ các tài sản của Mỹ ở châu Âu bị ảnh hưởng nặng mà toàn bộ khu vực tài chính của Mỹ cũng sẽ bị tác động, làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu, làm tăng chi phí tín dụng và làm giảm các nguồn đầu tư.
Để đối phó với tình huống này, ông Bernanke cho biết hồi tuần trước FED đã cho công bố kết quả kiểm tra 19 tập đoàn và cơ sở tài chính lớn nhất của Mỹ, trong đó chỉ có 4 cơ sở là không đủ mạnh để có thể chống chọi với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cuộc đại khủng hoảng 2007-2009 vừa qua.
Cùng tham gia điều trần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng xác định châu Âu đã có tiến triển trong việc bảo đảm với các nhà đầu tư về sự an toàn của đồng euro, do vậy đã góp phần làm giảm những căng thẳng đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Geithner kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu có thêm các hành động để tiếp tục hạ nhiệt tình hình căng thẳng tài chính, tránh gây thêm thiệt hại cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu./.