Một tương lai chính trị chưa rõ ràng ở Hy Lạp gắn với sự không chắc chắn của nước này trong việc thực hiện những cam kết với các nhà tài trợ là Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đặt Athens gần hơn với nguy cơ phải ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone).
Theo nhà tư vấn kinh tế Gikas Hardouvelis của cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos, nước này sẽ bị buộc phải ra khỏi liên minh tiền tệ nếu không tuân thủ những gì đã cam kết trong thỏa thuận cứu trợ của EU và IMF.
Sau cuộc bầu cử tại Hy Lạp cuối tuần qua, hai chính đảng ký thỏa thuận cứu trợ đã không thể tái thành lập liên minh khi không giành được đa số phiếu.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng cực tả Syriza - đảng hiện có trách nhiệm thành lập chính phủ mới, Alexis Tsipras, tuyên bố bất kỳ chính phủ mới nào do ông đứng đầu sẽ bác bỏ các điều khoản của thỏa thuận cứu trợ.
IMF nhấn mạnh sẽ chờ cho đến khi Hy Lạp thành lập một chính phủ mới để quyết định về những hành động tiếp theo.
Trong khi đó, sau cuộc họp ngày 9/5, Hội đồng giám đốc của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) đã quyết định giải ngân 4,2 tỷ euro trong các khoản cho vay trị giá 5,2 tỷ euro cho Hy Lạp vào ngày 10/5, song sẽ hoãn quyết định giải ngân 1 tỷ euro còn lại cho đến cuộc họp của nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone vào ngày 14/5.
Bộ trưởng Tài chính Luxembourg, Jean Asselborn, cảnh báo các khoản vay cho Hy Lạp trong tương lai sẽ không được giải ngân cho đến khi nước này có chính phủ mới. Thậm chí, các nhà tài trợ còn tuyên bố các khoản tiền được giải ngân cho Hy Lạp vào ngày 10/5 sẽ là các khoản vay cuối cùng cho nước này nếu Hy Lạp không thực hiện các cam kết.
Nếu lựa chọn việc ra khỏi Eurozone có nghĩa Hy Lạp sẽ chấp nhận việc đồng nội tệ bị mất giá mạnh, lạm phát tăng và GDP sụt giảm ở mức hai con số.
Đối với Eurozone và EU, việc Hy Lạp ra khỏi liên minh tiền tệ sẽ làm xuất hiện trở lại những lo ngại về các nền kinh tế yếu khác trong khu vực và gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường.
Các nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng cho các nước như Bồ Đào Nha, Ireland hay thậm chí là Tây Ban Nha vay tiền khi lo sợ một ngày nào đó một trong các nền kinh tế này có thể rời bỏ liên minh tiền tệ.
Sự hoảng loạn như vậy có thể buộc một nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha phải tìm kiếm cứu trợ, trong khi đang có những nghi ngờ về khả năng ứng phó của EU và IMF nếu khả năng này xảy ra./.