Bắc Ninh đã đứng trong tốp 13 tỉnh, thành phố cả nước tự cân đối ngân sách và có phần điều hòa về Trung ương với mức thu năm 2011 đạt 7.100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD.
Từ một tỉnh thuần nông, sau 15 năm tái lập, Bắc Ninh hiện nay có tốc độ phát triển công nghiệp khá cao so với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Tận dụng lợi thế vùng
Trước khi tách tỉnh, Bắc Ninh là một vùng đất thuần nông, chiêm trũng. Nằm ởtrung tâm vùng tam giác kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ, lại là vành đai phát triển công nghiệp và vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, có nhiều tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 18 chạy qua là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, Bắc Ninhđã tận dụng lợi thế đó để tự tin và vươn lên tạo dựng cơ nghiệp, phát triển kinh tế xã hội theo hướng chất lượng, toàn diện, tăng tốc và bền vững. Tỉnh đã chú trọng phát triển kinh tế gắn với liên kết vùng cận kề Thủ đô, tiếp tục đẩy nhanh công nghiệp, dịch vụ.
Với giá trị công nghiệp tăng bình quân 38,1%/năm, đến nay tỷ trọng công nghiệp Bắc Ninh đã vươn lên đầu bảng và vượt xa nông nghiệp. So với năm 1997, năm 2011 sản xuất công nghiệp tăng 107 lần, với giá trị đạt gần 63.000 tỷ đồng, chiếm tỷtrọng hơn 70%; trong khi nông nghiệp chỉ còn 8,5%.
Chia sẻ về thành tựu sau 15 năm tái lập tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Nhân Chiến, cho biết đến nay, Bắc Ninh đã có 15 khu công nghiệp tập trungđược Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 7.681ha, trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả như Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành III, Quế Võ II, Đại Đồng - Hoàn Sơn, khu công nghiệp Đô thị và dịch vụ VSIP, HANAKA.
Các khu công nghiệp tập trung được đầu tư kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, gồm hệthống chiếu sáng, giao thông, trạm cấp nước, hệ thống thoát nước, nước thải; trạm xử lý nước thải... với các ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí với kỹ thuật tiên tiến, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, khôi phục nghề truyền thống, phát triển thêm nhiều nghề mới với 62 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, góp phần không nhỏ cho kinh tế nông thôn,điển hình là các làng nghề đúc đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, luyện Thép ở Châu Khê... đạt doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng."
Đột phá trong phát triển công nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Chung - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, cho biết đến nay, các khu công nghiệp tập trung đã thu hút 272 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,7 tỷ USD của hầu hết các tậpđoàn và công ty lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Phần Lan, Thuỵ Điển, Đức, Trung Quốc. Trong đó, nhiều tậpđoàn có danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, viễn thông như Canon, Samsung, P&Tel, Sumitmoto, ABB, Nokia đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Cũng tại trong các khu công nghiệp này còn có 254 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho hơn 83.000 lao động.
Để hình thành được các khu công nghiệp tập trung hiện đại và thu hút đông đảo các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đầu tư vào tỉnh, ngoài việc tận dụng, khai thác thế mạnh về giao thông thuận tiện, Bắc Ninh tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, phát triển khu, cụm công nghiệp.
Cùng với việc thực hiện chính sách thông thoáng về môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, Bắc Ninh thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, nếu như năm 2010, Bắc Ninh xếp thứ 6 toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), thì năm 2011, tỉnh vươn lên đứng thứ 2 về chỉ số này trên toàn quốc.
Mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn trong năm 2011, nhưng hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục khởi sắc. Mới đây, Tập đoàn Nokia của Phần Lan đã quyết định đầu tư dự án trị giá 280 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động Nokia tại Phù Chẩn, Từ Sơn.
Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Riêng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt hơn 5,7 tỷUSD, chiếm hơn 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đứng thứ 6 toàn quốc.
Từ xuất phát điểm thấp, nhưng với những bước đột phá vững chắc về phát triển công nghiệp là tiền đề Bắc Ninh đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Nhân Chiến cho biết trong giai đoạn 2010-2015, Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh ưu tiên cho những dự án lớn, công nghệ cao, hiện đại thân thiện với môi trường mới. Tỉnh đang có những định hướng mang tính chiến lược với các chương trình và đề án cụ thể, thiết thực, nhằm khai thác lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đáp ứng yêu cầu tăng tốc đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ;tạo vị thế và tiền đề vững chắc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015./.