Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dự kiến sẽ được tổ chức tại Vladivostok của Nga vào đầu tháng Chín, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov tuyên bố rằng nước này cần chuyển cán cân thương mại về phía Đông, hướng tới các nước châu Á.
|
Tại một siêu thị ở Nga
|
Hiện nay, 50% kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga đạt được là nhờ hoạt động buôn bán với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã lưu ý rằng nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu sẽ giảm đi mỗi năm. Trung tâm chính trị và kinh tế thế giới sẽ là khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Nga tại khu vực này là một trong những ưu tiên của chính sách đối ngoại hiện nay.
Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov cho biết: “Nếu chúng tôi đặt ra nhiệm vụ đa dạng hóa nền kinh tế, ít phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô, có được nhu cầu nhiều hơn nữa trên thế giới, thì khi đó cân bằng thương mại cần phải được thay đổi. Ít nhất 50% thương mại nước ngoài của Nga cần phải chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, cùng nhiều nước khác. Tiềm năng đầu tư và thương mại với các nước này thậm chí chưa khai thác được 1/4. Diễn đàn APEC lần này cần đóng góp vào việc thúc đẩy các ý tưởng của chúng tôi là thay đổi cán cân về phía Đông. Điều này không có nghĩa rằng chúng tôi đang từ bỏ phương Tây.”
Theo các chuyên gia, việc Nga chủ trì APEC sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng kinh tế của liên bang trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thị phần Nga trong tổng khối lượng thương mại khu vực không tương xứng với ảnh hưởng chính trị của Nga hoặc lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Nga trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, Nga cần tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình hội nhập và các cơ chế tồn tại trong khu vực.
Giám đốc Vụ châu Á và châu Phi, thuộc Bộ Phát triển Kinh tế của Nga, Sergey Chernyshev nhận xét: “Điều rõ ràng là chúng ta, cũng như người Mỹ và người Trung Quốc, cần phải tìm kiếm thị trường mới. Nước Nga có tất cả mọi cơ sở kinh tế để hội nhập vào khu vực vì lợi ích chung, và coi APEC như một bước đi để khôi phục lại sự hội nhập của Viễn Đông Nga và Đông Siberia vào nền kinh tế của đất nước và hội nhập vào nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.”
Diễn đàn APEC sắp tới sẽ tiếp nối phương hướng hội nhập của Nga về phương Đông. Để phát triển hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, một cấu trúc đặc biệt sẽ được lập ra và trực thuộc Tổng thống Nga. Nhưng để hoạt động hiệu quả theo hướng này, các chính trị gia, doanh nhân và các quan chức Nga cũng cần phải đổi mới tư duy theo phương Đông./.