Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/09/2012-15:08:00 PM
Nền kinh tế đòi hỏi được tái cơ cấu một cách thực chất, cơ bản
Những khó khăn hiện tại của kinh tế vĩ mô đang được xem là rào cản ảnh hưởng tới việc thực thi các giải pháp nhằm tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu quá tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn, những biện pháp căn cơ dài hạn rất có thể bị bỏ qua và do đó, mục tiêu đạt được sự ổn định vững chắc khó đạt được.
Thưa ông, tính đến nay, chúng ta đang trong giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lần thứ 3. Có một điểm khá tương đồng trong thời điểm bắt đầu chiến lược hiện tại so với chiến lược đầu tiên (giai đoạn 1991 - 2000) là sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Ông nhìn nhận sự tương đồng đó như thế nào?
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Khi bắt tay xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng vô cùng tồi tệ, hậu quả của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp kéo dài. Kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chỉ khoảng 3,9%, lạm phát ở mức 97,5% vào năm 1990, hàng hoá sản xuất không đủ tiêu dùng…
Yêu cầu về sự đột phá trong tư duy phát triển kinh tế thời điểm đó lớn hơn bao giờ hết. Còn nhớ, khi đó, ý tưởng xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình mới được giao cho 6 đơn vị độc lập cùng triển khai, với mục tiêu tìm kiếm tư duy, quan điểm mang tính đột phá. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000 ra đời trong quyết tâm chính trị là phải thoát khỏi khủng hoảng, ổn định kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân…
Tất nhiên, so với hiện tại, tình hình lúc đó nguy cấp hơn nhiều, cả về kinh tế - xã hội, cũng như nhận thức, tư duy, cộng thêm Liên Xô và chế độ XHCN ở các nước Đông Âu sụp đổ, nước ta bị bao vây cấm vận. Thời điểm đó, mặc dù đường lối đổi mới trong phát triển kinh tế đã được đưa ra, song mô hình mới chưa có tiền lệ, còn phải thử nghiệm…
Nghiên cứu kỹ nội dung của bản chiến lược đầu tiên này, có rất nhiều tư tưởng, quan điểm mang tính đột phá, thưa ông?
Không những mang tính đột phá, mà những tư tưởng, quan điểm đó vẫn còn giá trị cho tới hiện tại, một số quan điểm vẫn đang được thể hiện sống động trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Thứ nhất, quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với hiệu quả. Đây là tư tưởng vô cùng quan trọng, khi kinh tế Việt Nam vừa trải qua thời kỳ kế hoạch hoá tập trung bao cấp kéo dài.
Thứ hai, quan điểm phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy sức mạnh mọi thành phần kinh tế, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy lợi thế tương đối của cả nước, từng vùng, từng ngành. Mục tiêu được xác định là tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.
Trong chiến lược đầu tiên này, tiếp theo trong chiến lược thứ hai, những yêu cầu mà hiện này chúng ta đang đặt ra cho nền kinh tế là phát triển nhanh và bền vững cũng được đưa ra rất sớm.
Đặc biệt, một quan điểm thể hiện rất rõ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được thể hiện xuyên suốt. Cũng phải nhấn mạnh rằng, tên của chiến lược đầu tiên là Chiến lược Ổn định và Phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000, ổn định để phát triển, phát triển để ổn định.
Với quan điểm, tư duy mạnh mẽ, thống nhất và đúng hướng như vậy, đã tạo điều kiện thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong những điểm nổi bật trong tư duy chính sách giai đoạn này là xác định một hướng rất mới trong vai trò của nhà nước khác hẳn trước đây.
Bản chiến lược đầu tiên đã được xác định rõ chức năng của Nhà nước là: dẫn dắt và hỗ trợ những nỗ lực phát triển; tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạch định và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội; quản lý và kiểm soát việc sử dụng tài sản quốc gia.
Chiến lược phát triển ngành, vùng, lĩnh vực cũng được ghi rõ là phát huy lợi thế so sánh, lựa chọn ưu tiên theo hướng hiệu quả, có sức cạnh tranh… Khu vực tài chính tiền tệ được giao vai trò là công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, phấn đấu cân bằng ngân sách nhà nước một cách tích cực…
Có vẻ như sau 2 kỳ chiến lược, nhiều định hướng phát triển kinh tế vẫn tiếp tục là mục tiêu phải phấn đấu của kinh tế Việt Nam?
Đúng vậy. Nhưng phải nhắc lại, những cay đắng mà nền kinh tế trải qua trong những năm 1980 đã cho phép các tư tưởng mới được thực hiện một cách quyết liệt. Như tôi đã nói, khó khăn lúc đó vô cùng lớn, lại vẫn còn những vướng mắc về nhận thức, tư duy, nhưng quyết tâm chính trị trong đổi mới kinh tế là rất lớn. Đó là yếu tố quyết định.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), người đã tham gia xây dựng 3 chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ( từ năm 1991 đến nay) cho rằng, cần coi tái cơ cấu là nội dung cốt lõi của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Chính vì vậy, chỉ sau 3 năm, vào đầu năm 1994, Hội nghị giữa nhiệm khóa VII của Đảng đã đánh giá: “Chúng ta đã và đang tạo ra những tiền đề đưa đất nước chuyển dần sang một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Từ đó, việc thực hiện chiến lược lần thứ nhất, chiến lược lần thứ hai (giai đoạn 2001 - 2010) tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng đã tạo nên những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kết quả rõ nhất là, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, GDP đầu người năm 2011 đạt 1.300 USD…
Tuy vậy, là người trong cuộc, tôi cũng thấy rằng, nếu những mục tiêu, định hướng, chính sách phát triển mà chúng ta đặt ra trong các chiến lược được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, có thể nền kinh tế Việt Nam không vướng phải những khó khăn lớn như hiện tại.
Thể hiện rõ nhất là, sau 2 kỳ chiến lược, nền kinh tế phát triển với hiệu quả thấp, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và xã hội chưa tốt; ổn định kinh tế vĩ mô không vững chắc, nhất là 5 năm trở lại đây; buông lỏng quản lý dẫn tới tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt, phát triển vẫn dựa trên chiều rộng, xem nhẹ chiều sâu, sử dụng thái quá và kém hiệu quả nguồn vốn để chạy theo tăng trưởng cao.
Hơn thế, vai trò định hướng và kiến tạo phát triển của Nhà nước chưa được thể hiện rõ và đúng. Khâu điều hành, tổ chức thực hiện luôn yếu… Đó là chưa kể các yếu tố ngoài kinh tế, như nhóm lợi ích, tham nhũng, quan liêu…, nhưng có tác động cực kỳ lớn tới ổn định và phát triển kinh tế.
Hệ thống kinh tế gồm các cấu phần, thể chế, cơ chế ràng buộc sự vận hành. Trong quá trình phát triển, tất yếu nảy sinh những điểm không phù hợp, lạc hậu, cần phải điều chỉnh thường xuyên, kịp thời để không dồn tích hậu quả. Thực tiễn cho thấy, chúng ta chưa làm tốt việc này. Hậu quả là, nền kinh tế đang có những yếu kém, bất cập mang tính cơ cấu, hệ thống cần có một cuộc điều chỉnh trên tổng thể, mà bây giờ chúng ta gọi là tái cơ cấu.
Dường như việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đang đối mặt với những khó khăn lớn không kém những gì mà nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 20 năm trước, thưa ông?
Mô hình tăng trưởng cũ không còn mấy dư địa để khai thác, thậm chí đã đến tới hạn. Bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng khó lường. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau đổi mới đến giờ. Tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Bối cảnh này đặt nền kinh tế Việt Nam vào thế nếu không thay đổi, sẽ bị chững lại, thậm chí thụt lùi.
Chính vì vậy, thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng, nên gọi chiến lược đang thực hiện là Chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Nhấn mạnh như vậy, để quyết tâm thực hiện đúng những gì chúng ta đã đặt ra, hướng tới mô hình tăng trưởng mới, dựa trên năng suất, hiệu quả và chất lượng. Đặc biệt, phải đặt rõ yêu cầu tái cơ cấu cả bộ máy quản lý nhà nước, xác định lại và kiên quyết thực hiện đúng vị trí vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước trong nền kinh tế… Như nhiều người đã nói, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần phải thực chất và con đường chuyển đổi còn rất gian nan.
Chúng ta cũng phải dự kiến tiến trình thực hiện tái cơ cấu này có thể kéo dài 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm, vì có thể thời gian để ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô sẽ mất 2 - 3 năm nữa. Tính tới thời điểm này, chúng ta đã mất gần 2 năm của kỳ chiến lược, nhưng vẫn chưa ra khỏi vùng trũng. Nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô, không tạo được niềm tin và động lực mới trong xã hội, thì tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể còn kéo dài hơn thế./.
Khánh An
Baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 1560
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)