(MPI Portal) - Nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân có liên quan về Chỉ số GDP xanh: xây dựng khung phương pháp cho Việt Nam, chiều ngày 27/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu trên.
Tham dự Hội thảo có Phó Viện trưởng CIEM Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Kate Harrisson, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán của một số nước tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo.
|
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng CIEM cho biết dự án nghiên cứu về Chỉ số GDP xanh: xây dựng khung phương pháp cho Việt nam là dự án đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao, Vương Quốc Anh và thực hiện từ tháng 7 năm 2011 đến tháng 3 năm 2012. Sau 09 tháng thực hiện việc nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành.
Bà Hồng cho biết, trong thời gian vừa qua, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ qua chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng liên quan tới các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và cường độ sử dụng năng lượng cao. Trước thực tế này Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg theo đó, chỉ số GDP xanh đã được đưa vào trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế xã hội quốc gia đến năm 2014. GDP xanh là sản phẩm của việc hạch toán môi trường quốc gia. Tuy nhiên, việc hạch toán môi trường quốc gia vẫn còn mới đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà thống kê. Do vậy, để đưa hạch toán quốc gia vào thực tế, một số bước chuẩn bị phải được tiến hành là: xây dựng một khuôn khổ phương pháp; chuẩn bị thông tin dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hạch toán xanh.
|
Quang cảnh Hội thảo
|
Khác với GDP truyền thống có thể dẫn đến chính sách tăng trưởng, tập trung vào trăng trưởng với bất cứ giá nào thì GDP xanh là chỉ số được tính bằng cách lấy chỉ số GDP truyền thống trừ đi các chỉ số về cạn kiệt tài nguyên và thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Chỉ số GDP xanh cho phép chúng ta có được những chính sách tăng trưởng bền vững hơn, tránh tình trạng vì mục đích tăng trưởng mà bất chấp mọi giá.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận vấn đề chọn tài khoản xanh cho Việt Nam với các tiêu chí như tập trung vào những tài khoản xanh có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, trước tiên cần xây dựng một số tài khoản thử nghiệm; tập trung trước vào những tài khoản đã có thể thu thập được số liệu thống kê đầu vào và những tài khoản đã rõ và dễ đồng thuận về phương pháp luận; xây dựng tài khoản hiện vật và giá trị cho Việt Nam.
Các tài khoản xanh được kiến nghị xây dựng và sử dụng ở Việt Nam là tài khoản tài nguyên bao gồm năng lượng không tái tạo như dầu khí, than, khí đốt, tài khoản ô nhiễm, tài khoản chi tiêu công cho môi trường. Việt Nam có thể áp dụng khung hạch toán môi trường quốc tế và trước hết cần tập trung vào các tài khoản quan trọng nhất như tài nguyên thiên nhiên và các chất ô nhiễm.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng, để ước tính được chỉ số GDP xanh vào năm 2014, các bước chuẩn bị dữ liệu nên được tiến hành ngay từ bây giờ.
Trong những năm 70, một số nước phát triển như Na Uy, Canada, Pháp và Hà Lan đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một cơ chế tích hợp các thiệt hại môi trường và suy giảm tài nguyên vào hạch toán kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 1993, Liên Hợp Quốc và Ngân hàng thế giới đã phối hợp xây dựng phương pháp luận cho việc xây dựng các tài khoản tự nhiên và môi trường và công bố một bản hướng dẫn về hệ thống hoạch toán kinh tế và môi trường tổng hợp - SEEA 1993. Văn bản này được sửa đổi năm 2003 (SEEA 2003) và trở thành khung phương pháp chuẩn về hạch toán môi trường đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư