Người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn dự kiến, bất chấp giá xăng dầu trong nước tăng cao và đây là một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý I không xấu như nhiều chuyên gia lo ngại.
|
Tại cửa hàng bán lẻ Shabby Chic ở San Francisco, bang California, Mỹ
|
Theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng 0,8% trong tháng Ba vừa qua, cao hơn nhiều so với mức dự báo chỉ tăng 0,3% của các nhà phân tích.
Một loạt dịch vụ có doanh số bán tăng như quần áo, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, nhà hàng và thiết bị điện tử. Riêng tại bang New York, chỉ số sản xuất lại hạ từ mức 20,2 trong tháng Ba xuống còn 6,6 trong tháng Tư.
Chuyên gia kinh tế trưởng của PNC Financial Services, Stuart Hoffman nhận định: "Thời tiết ấm áp khiến người dân chi ít hơn cho chi phí sưởi ấm là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tiêu dùng, song rõ ràng là các hộ gia đình Mỹ đang cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng mở hầu bao mua sắm, bất chấp giá xăng dầu tăng cao."
Bên cạnh đó, các nhà máy cũng tích cực tuyển dụng thêm nhiều nhân công hơn khi sản phẩm làm ra bán được giá cao hơn.
Ước tính, doanh số bán của các doanh nghiệp đã tăng 0,7% đạt mức 1.240 tỷ USD trong tháng 2/2012. Tình hình khả quan này khiến các nhà phân tích lạc quan rằng, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng tới 2,5% trong quý I vừa qua, cao hơn nhiều so với mức dự đoán 2% trước đó.
Chi tiêu tiêu dùng "bật nẩy" cũng làm giảm khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tung ra chương trình nới lỏng định lượng tiếp theo (QE3), ngay cả khi thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu chững lại trong tháng Ba.
Nhà kinh tế Chris Rupkey tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ có trụ sở tại New York cho rằng: "Doanh số bán lẻ tăng đồng nghĩa với việc Mỹ không cần tới QE3."
Theo kế hoạch, FED sẽ nhóm họp trong hai ngày 24-25/4 để thảo luận các hướng đi chính sách tiếp theo./.