Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2011-14:24:00 PM
Hội nghị tham vấn cấp quốc gia về hiệu quả viện trợ: Hướng tới Diễn đàn HLF-4
(MPI Portal) – Sáng ngày 30/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tham vấn cấp quốc gia về hiệu quả viện trợ dưới sự đồng chủ trì của ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, ông Song Si-jin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và bà Rie Vejs Kjeldgaard - Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị có bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Quốc hội, các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội nhân dân, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và khu vực tư nhân.
Các đồng chủ trì Hội nghị tham vấn cấp quốc gia về hiệu quả viện trợ. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)
Là sự kiện diễn ra trước thềm Diễn đàn cấp cao về hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (HLF-4) vào tháng 11/2011 tại Busan (Hàn Quốc), Hội nghị tập trung thảo luận về Dự thảo lần hai Tuyên bố Busan và nội dung thông điệp của Việt Nam trình bày tại Diễn đàn HLF-4 lần này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cao Mạnh Cường cho rằng Diễn đàn HLF-4 diễn ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ song kèm theo đó là sự phân hóa giữa các nước ngày càng rõ nét. Nhiều nước đang phát triển đã không đủ sức để đương đầu với các thách thức của kinh tế toàn cầu, chưa kể đến các thách thức toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an toàn lương thực và năng lượng.
Được đề cập lần đầu tiên tại Hội nghị bàn tròn Marrakesh (Ma-rốc) năm 2000, trải qua ba Diễn đàn cấp cao, vấn đề hiệu quả viện trợ ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, các đối tác phát triển và cả các tổ chức tư nhân trên thế giới. Tuy nhiên, theo kết quả Cuộc điều tra năm 2011 về giám sát thực hiện Tuyên bố Paris, ở phạm vi toàn cầu, chỉ có duy nhất 1 trong số 13 mục tiêu dự kiến đạt được vào năm 2010 đã thành công, việc triển khai 12 mục tiêu còn lại cũng có tiến bộ nhất định trong thời gian vừa qua. Ông Cường đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hiệu quả viện trợ chưa đạt được như mong muốn, đó là việc thực hiện Tuyên bố Paris chưa đồng đều và quá chậm chạp giữa các nước đang phát triển và các nhà tài trợ do một số nước mới tham gia từ năm 2008; sự thay đổi về bản chất và địa điểm viện trợ. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả viện trợ trên phạm vi cấp toàn cầu và cấp quốc gia, chủ đề của Diễn đàn cấp cao lần này được mở rộng theo hướng đặt viện trợ trong khung cảnh phát triển rộng lớn hơn với một tầm nhìn dài hạn hơn. Trong khi viện trợ ở cấp quốc tế được sử dụng để phối hợp với các nguồn lực khác nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu thì ở cấp quốc gia viện trợ đóng vai trò là chất xúc tác để huy động các nguồn lực khác, đặc biệt từ khu vực tư nhân, cho phát triển. Với lý lẽ đó, tham gia Diễn đàn HLF-4 không chỉ có các nhà tài trợ là thành viên của Ủy ban Viện trợ phát triển (DAC), các tổ chức quốc tế song phương và đa phương mà còn có các nhà tài trợ không phải thành viên của DAC, các nhà tài trợ theo mô hình hợp tác Nam – Nam, các nghị viện, tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs), các tổ chức xã hội dân sự (CSOs), các quỹ và khu vực tư nhân.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo lần hai Tuyên bố Busan.Cácýkiến xoay quanhcấu trúc của Dự thảo, các nội dung chính như gắn kết giữa viện trợ và hiệu quả phát triển, phòng chống tham nhũng, tài chính cho việc giải quyết biến đổi khí hậu, áp dụng Tuyên bố Busan trong bối cảnh từng quốc gia sau khi Diễn đàn HLF-4 khép lại./.
Lộ trình thực hiện hiệu quả viện trợ toàn cầu
- Năm 2000: Vấn đề hiệu quả viện trợ được đề xuất tại Hội nghị bàn tròn Marrakesh (Ma-rốc) về Mục tiêu thiên niên kỷ.
- Năm 2002: Hội nghị quốc tế về tài trợ cho phát triển Monterrey (Mê-hi-cô) đạt được thoả thuận về hiệu quả viện trợ.
- Năm 2003: Tại Diễn đàn hiệu quả viện trợ lần thứ nhất diễn ra ở Rome (Italia), Tuyên bố về hài hòa hóa được thông qua, theo đó các nhà tài trợ thoả thuận phối hợp hoạt động và giảm chi phí cho các nước nhận viện trợ.
- Năm 2005:Tuyên bố Paris về hiệu quả viện trợ được thông qua tại Diễn đàn hiệu quả viện trợ lần hai ở Paris (Pháp).
- Năm 2008: Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ ba được tổ chức tại Accra (Ghana) đạt được thỏa thuận về Chương trình hành động Accra (AAA).
- Năm 2010: Một số kết quả về hiệu quả viện trợ đạt được như Nguyên tắc Istabul về hiệu quả phát triển của các tổ chức xã hội dân sự, Tuyên bố Dili về các quốc gia dễ bị tổn thương, Tuyên bố Bogota về hợp tác Nam-Nam.
- Năm 2011: Dự kiến Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ tư diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 01/12/2011 tại thành phố Busan (Hàn Quốc) với việc thông qua Tuyên bố Busan.
Hương Lan
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1637
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)