Trong tuần qua, giá dầu tại thị trường Mỹ biến động lên xuống không ngừng do những lo ngại về tình hình bất ổn kinh tế-chính trị tại châu Âu, đặc biệt là “con nợ” Tây Ban Nha, cũng như những hoài nghi về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm tại Mỹ- nền kinh tế số một thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (ngày 4/6), giá dầu ngọt nhẹ New York và dầu Brent Biển Bắc đồng loạt nhích nhẹ nhờ xu hướng “săn lùng” hàng hóa giá hời của giới đầu tư, bất chấp có lúc giá dầu Brent tại thị trường London đã rơi xuống 95,63 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 26/1/2011 và dầu New York cũng chạm mức 81,21 USD/thùng, thấp kỷ lục tính từ ngày 7/10/2011.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã có sự phân hóa ngay trong phiên giao dịch tiếp theo, sau khi cuộc điện đàm khẩn cấp của các bộ trưởng tài chính Nhóm bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-7) đã thất bại trong việc đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm đối phó với khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Maria Van der Hoeven, lại cảnh báo rằng sự thoái trào gần đây của giá dầu thế giới sau nhiều tháng tăng cao vẫn còn khá mong manh và nguy cơ giá nhiên liệu “leo thang” vẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Và đúng như nhận định của bà Van der Hoeven, đà sụt giảm giá dầu đã bị chặn đứng trong phiên giao dịch 6/6, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ý sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn trong khu vực Eurozone, còn giới đầu tư thì tiếp tục nuôi hy vọng về một đợt nới lỏng có định lượng mới (QE3) của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Tuy nhiên, giá “vàng đen” lại đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch 7/6, do Chủ tịch FED Ben Bernanke đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi ông này không đả động gì đến QE3 trong buổi điều trần trước quốc hội diễn ra cùng ngày, mặc dù vào đầu phiên này, thông tin Trung Quốc- nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới- quyết định cắt giảm lãi suất đã giúp đẩy giá dầu đi lên.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (8/6), giá hai loại dầu chủ chốt tiếp tục “lún sâu” do xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới, đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc, đang có xu hướng suy yếu, trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Libya, Iraq và Mỹ lại đang dần gia tăng. Thêm vào đó, việc Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã bất ngờ hạ 3 bậc tín nhiệm đối với Tây Ban Nha, quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, cũng là nhân tố khiến giá dầu “lao dốc.”
Fitch đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ A xuống BBB và đặt triển vọng kinh tế nước này trong tình trạng "tiêu cực." Điều này đồng nghĩa với việc Madrid có thể tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm trong những tháng tới và khả năng thoát khỏi khủng hoảng nợ của Eurozone vẫn còn khá mờ mịt.
Khép lại phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 7/2012 tại sàn New York giảm 72 xu, tương đương 0,29% xuống 84,1 USD/thùng. Tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn tăng 1% so với mức 83,23 USD/thùng khi chốt phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển giao cùng kỳ hạn cũng hạ 46 xu, đóng cửa ở mức 99,47 USD/thùng.
Trái với diễn biến của giá dầu thô, giá khí tự nhiên giao tháng 7/2012 lại tăng 2,5 xu trong phiên giao dịch 8/6, lên 2,3 USD/1 triệu BTU, còn giá xăng giao cùng kỳ hạn lại đứng ở mức 2,685 USD/gallon.
Hiện giới đầu tư năng lượng quốc tế đang chờ đợi các báo cáo kinh tế mới nhất của Trung Quốc, dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này, cũng như thận trọng theo dõi kết quả cuộc họp tuần tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Vienna (Áo) để thảo luận về việc điều chỉnh sản lượng dầu, trong bối cảnh “sức khỏe” của nền kinh tế thế giới đang hết sức mong manh, nhu cầu năng lượng suy giảm và tình trạng căng thẳng kéo dài giữa Iran với các nước phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.
Các chuyên gia dự đoán OPEC sẽ tiếp tục giữ mục tiêu sản lượng ở mức 24,84 triệu thùng/ngày, vốn đã được tổ chức này duy trì trong hơn ba năm qua./.