Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2011-10:15:00 AM
Tọa đàm Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam
(MPI Portal) – Chiều 30/11/2011, tại Hà Nội, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức buổi tọa đàm “Cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Các vấn đề Thương mại/ Đầu tư và Kiến nghị”. Tham dự buổi tọa đàm có ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng Ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam và ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam.

Toành cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: EuroCham

Theo thông lệ hàng năm, EuroCham cho xuất bản sách Trắng năm 2012 tóm tắt các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Cộng đồng châu Âu đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với EuroCham và Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức Tọa đàm bàn tròn để trao đổi các vấn đề liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Một số vấn đề nổi lên trong Tọa đàm lần này là vấn đề thực hiện cam kết WTO, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, và mô hình đối tác công-tư.
Liên quan đến vấn đề cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tại buổi tọa đàm, quan điểm của EuroCham cho rằng thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn dài vì phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. Trong khi đó, thời hạn của dự án dịch vụ rất ngắn, thường là 5 năm. Qua đó, EuroCham đề xuất mô hình phê duyệt “một cửa” cho cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ quá trình. Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, từ năm 2006 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện việc phân cấp triệt để cho các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý các dự án trên địa bàn. Trong thời gian qua, cơ chế này đã đem lại kết quả đáng kể, giúp địa phương chủ động hơn trong công tác kêu gọi và quản lý dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch thực hiện chưa hiệu quả, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm 2012; Bộ Công Thương rà soát lại các quy hoạch sản xuất và công bố định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, địa phương/vùng lãnh thổ. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổng kết, đánh giá và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoạt động đầu tư một số ngành dịch vụ.
Về mô hình đối tác công - tư (PPP), phía EuroCham đánh giá rất cao Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này có tính mở cao, mang lại sự linh hoạt tối đa cho việc thiết kế các dự án thí điểm. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng cho biết thêm, hiện nay mô hình PPP đang được triển khai thí điểm tại Việt Nam. Mục tiêu của giai đoạn thí điểm là thông qua việc thực hiện các dự án cụ thể để tổng hợp kinh nghiệm thực tế, làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho PPP.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: EuroCham

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nhận định, thời gian qua, Việt Nam đã tuân thủ và thực hiện đúng cam kết quốc tế, đặc biệt là trong việc mở cửa thị trường dịch vụ (thị trường phân phối, tiếp vận, cảng biển, tài chính, ngân hàng …). Tuy nhiên, đối với Việt Nam, dịch vụ là lĩnh vực tương đối mới, phạm vi rộng, bao gồm nhiều phân ngành, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng phân ngành dịch vụ theo WTO nên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc, bất cập không chỉ cho nhà đầu tư, mà cả cho các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, Việt Nam cam kết thực hiện đúng các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập, đẩy nhanh tiến độ thẩm tra các dự án trong lĩnh vực dịch vụ thông qua việc thực hiện các giải pháp sau: (i) Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư; (ii) Quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ chuyên ngành trong việc góp ý thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư; (iii) Các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoạt động đầu tư một số ngành dịch vụ, làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Thông qua Tọa đàm, EuroCham mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực loại bỏ các quy định hành chính không cần thiết để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. EuroCham cũng tin tưởng khả năng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục duy trì sức cạnh tranh và giữ tốc độ tăng trưởng hợp lý./.

Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1137
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)