Theo cuộc thăm dò ý kiến do Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) mới công bố, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng của châu Á.
Các nhà lãnh đạo trong khu vực lo ngại về tác động xấu của sự tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc nhiều hơn là của tình hình kinh tế yếu kém tại châu Âu và Mỹ.
Ông Donald Campbell, đồng chủ tịch PECC, nói rằng kết quả của cuộc khảo sát nêu bật vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc như là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Theo ông Campbell, cách đây 10 năm, châu Á đóng góp khoảng 20% sản lượng kinh tế toàn cầu, còn hiện giờ con số này đã tăng lên 35%. Đây là khu vực có mức tăng trưởng nhanh nhất và được thúc đẩy nhờ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Cho dù hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu và Mỹ chậm lại đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhưng nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc đối với nguyên vật liệu và hàng hóa đã giúp cho các nhà máy ở những nước châu Á khác vẫn hoạt động ổn định.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam .
Kết quả cuộc khảo sát trên được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thành phố Vladivostok của Nga cuối tuần này. Có 56% người tham gia cuộc khảo sát - trong đó có các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và học giả - cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp hơn trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, theo một cuộc điều tra thu hút nhiều sự quan tâm do ngân hàng HSBC (Anh) thực hiện, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 8/2012 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 7,6% trong quý II/2012, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua và là quý tăng trưởng chậm lại thứ 6 liên tiếp./.