Ngày 1/12, thông tin cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB) về di cư và kiều hối toàn cầu cho biết trong năm 2011, nguồn kiều hối đổ về các nước đang phát triển đã lên tới 351 tỷ USD.
Tổng nguồn kiều hối toàn cầu trong năm 2011, kể cả nguồn đổ về các nước phát triển, đạt 406 tỷ USD. Các nước dẫn đầu về nguồn kiều hối là Ấn Độ (58 tỷ USD), Trung Quốc (57 tỷ USD), Mexico (24 tỷ USD) và Philippines (23 tỷ USD). Các nước nhận nhiều kiều hối khác theo thứ tự là Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập, Libanon và Việt Nam.
Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ, dòng kiều hối đổ về tất cả các khu vực đang phát triển đều tăng, trong đó khu vực Đông Âu và Trung Á tăng nhanh nhất tới 11%, Nam Á với 10,1%, Đông Á và Thái Bình Dương tăng 7,6%, Khu vực miền Nam sa mạc Sahara đạt 7,4%, Mỹ Latinh và Caribe 7%.
Hans Timmer, Giám đốc Nhóm triển vọng phát triển của WB, cho rằng bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho triển vọng việc làm của lao động nhập cư ảm đạm hơn và tác động mạnh đến dòng vốn tư nhân, dòng kiều hối toàn cầu năm nay vẫn tăng 8% so với năm ngoái và dự báo năm 2012 tăng 7,3% so với năm trước, năm 2013 tăng 7,9% và năm 2014 tăng 8,4%.
WB dự báo vào năm 2014, nguồn kiều hối toàn cầu có thể lên tới 515 tỷ USD, trong đó 441 tỷ USD đổ về các nước đang phát triển. Nguồn kiều hối tăng bắt nguồn từ giá dầu tăng cao làm tăng nguồn ngoại tệ của các nước xuất khẩu dầu, làm mất giá đồng nội tệ ở nhiều nước xuất khẩu lao động lớn như Mexico, Ấn Độ, Bangladesh... và khiến cho chi phí gửi kiều hối giảm mạnh từ 8,8% trong năm 2008 xuống còn 7,3% trong năm 2011.
WB đã phát triển các công cụ tài chính mới để khuyến khích lao động di cư gửi nguồn tiền của họ về nước phục vụ phát triển đất nước. Trái phiếu dành riêng cho lao động di cư có thể là công cụ tài chính mạnh huy động các nguồn kiều hối gửi về nước để tài trợ cho các dự án khu vực công và tư nhân, cũng như giúp cải thiện hiện trạng nợ của các nước đang phát triển./.