Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/08/2012-09:17:00 AM
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần tạo sự đột phá trong huy động và sử dụng nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

(MPI Portal) - Chiều ngày 16/8, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đồng chủ trì buổi họp. Tham dự buổi họp, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cùng lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ; về phía Thành phố Hà Nội có các Phó Chủ tịch; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên môi trường, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, Cục thuế, Cục Hải quan… cùng với sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới bất ổn, ảnh hưởng tới nền kinh tế nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện quyết liệt nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HĐND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và Nghị quyết 07/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Đồng thời Thành phố cũng quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô và Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XI).

Kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,6%, thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước; tuy vậy, tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan, tổng sản phẩm trên địa bàn quý II tăng 7,9%, cao hơn mức tăng của quý I là 7,3%. Sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chi phí gia tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Chỉ số IIP (cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 7/2012 so với cùng kỳ năm 2011) tăng 4,52%. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 7 tháng đầu năm tăng 21,1%, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 20,9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 7 tháng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 13,6 tỷ USD, giảm 5,3% so cùng kỳ năm 2011. Do những khó khăn về thời tiết không thuận lợi và chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn cao, giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2012 xấp xỉ như mức cùng kỳ năm 2011 nhưng giá trị tăng thêm lại giảm tới 2,9%.

Kết quả 7 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bản đạt 79.303 tỷ đồng, bằng 55% dự toán Chính phủ giao. Chi ngân sách địa phương ước đạt 26.740 tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm.

Số dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới giảm so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 7 có 170 dự án đầu tư nước ngoài đưuọc cấp mới và tăng vốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 430 triệu USD (bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2011).

Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh giảm đáng kể: 7 tháng đầu năm 2012 có 9.030 doang nghiệp đăng ký thành lập với số vốn 54.000 tỷ đồng, bằng 54% về số doanh nghiệp và 45% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Số doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động có xu hướng tăng: tính đến hết tháng 5/2012, số doanh nghiệp trên địa bản ngừng hoạt động băng 68% của cả năm 2011, với 7.745 doanh nghiệp.

Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, duy trì. Theo đó, chỉ số CPI có xu hướng tăng chậm lại, CPI tháng 7 chỉ tăng 2,27% so với tháng 12/2011 (trong khi CPI tháng 7/2011 tăng 14,43% so tháng 12/2010).

Các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế cùng với công tác quy hoạch, quản lý, xây dựng đô thị; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng….được quan tâm chỉ đạo sát sao.

Đầu tư tập trung, không dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn cao

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Trong điều kiện nhu cầu đầu tư để thực hiện các nội dung phát triển theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của Thành phố là rất lớn mà khả năng huy động của ngân sách Thành phố chưa đáp ứng được đầy đủ, Thành phố Hà Nội đã xác định trọng tâm đầu tư của giai đoạn tới để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm đảm bảo hiệu quả. Theo đó, Hà Nội đã xác định chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực sau: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu và phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Phát triển văn hóa xã hội trên các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa – thể thao và du lịch, lao động – thương binh và xã hội; Phát triển khoa học công nghệ - công nghệ thông tin – truyền thông; Quốc phòng, an ninh.

Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh xây dựng kế hoạch hàng năm là nhiệm vụ thường xuyên, và đặc biệt trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến đổi, việc chỉ đạo sát sao khâu dự báo là rất quan trọng nhằm góp phần xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển một cách hiệu quả nhất.

Chỉ trông chờ vào ngân sách là không đủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Thành phố cần tìm cách huy động nguồn lực trong và ngoài nước, cần tạo ra sự đột phá về nguồn lực phục vụ phát triển. Đánh giá cao báo cáo “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của thành phố Hà Nội”, Bộ trưởng nhận định, báo cáo của Thành phố Hà Nội đã đi sâu vào các vấn đề cụ thể, đồng thời đưa ra kiến nghị rất sát với thực tiễn địa phương. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển trong trung hạn 2013 – 2015 cần gắn với các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng và mục tiêu lớn về xã hội nhằm đồng bộ chi ngân sách và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phát biểu tại buổi họp.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Đối với vấn đề đầu tư tập trung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thành phố Hà Nội phải là địa phương đi tiên phong. Do đó, Hà Nội cần đánh giá được liên kết vùng và nội vùng theo xu hướng chuyển dịch kinh tế vùng mà trọng tâm là Hà Nội. Thêm vào đó, đầu tư sản xuất cần đi vào các ngành dịch vụ cụ thể, từ đó có chính sách, cơ chế, lôi kéo khu vực kinh tế tư nhân cùng phát triển.

Nhiệm vụ và một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013

Thành phố Hà Nội đưa ra một số chỉ tiêu kinh tế dự kiến cho năm 2013:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP: 20-10,55% trong đó: dịch vụ (10,5 – 11%), công nghiệp – xây dựng dựng (10 – 10,5%), nông nghiệp (2 – 2,5%);

- Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bản: 15%;

- Tổng vốn đầu tư xã hội tăng: 18,5 – 19,5%;

- Thu ngân sách trên địa bàn tăng: 14 – 16%.

Thành phố đã rà soát, đảm bảo các dự án có đủ thủ tục theo quy định, theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo tổng hợp nhu cầu đầu tư của các dự án do Thành phố trực tiếp quản lý 3 năm 2012 – 2015 là khoảng 127.504 tỷ đồng. Riêng năm 2013, nhu cầu đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố là 37.642 tỷ đồng.

Đánh giá thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn đầu 2012, Hà Nội chú trọng vào các nhiệm vụ trọng tâm về: phát triển kinh tế; phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội; tạo việc làm, giảm nghèo và các lĩnh vực an sinh xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị, quan tâm cải thiện chất lượng môi trường; củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng và an ninh, mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Hà Nội kiến nghị, đề xuất tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ yếu về các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện các quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến công tác kế hoạch và đầu tư. Trong đó tập trung ý kiến về sửa đổi và hoàn thiện các luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Đấu thầu theo hướng đồng bộ giữa các văn bản và đơn giản hóa. Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn sửa đổi về việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một số nội dung trong dự thảo Nghị định thay thế, điều chỉnh Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện Luật Đầu tư có liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư và liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO.

Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đầu tư, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, tăng nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Thành phố hàng năm để thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là cho phát triển hệ thống giao thông. Hà Nội đề nghị bố trí vốn Trung ương cho các dự án về chống biến đổi khí hậu, đê kè của Thành phố. Về vốn trái phiếu, Hà Nội đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ 1.272 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch năm 2013 để triển khai và hoàn thành các dự án thủy lợi và ký túc xá sinh viên. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sớm thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó thường trực để chủ trì trong việc nghiên cứu đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Thủ đô theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh với tư cách là Bộ tổng hợp, tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét và giải quyết sớm các đề xuất của thành phố Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cảm ơn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành thời gian quý báu làm việc với UBND Thành phố, cũng như sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 – 2015 và năm 2013./.

Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1372
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)