Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/05/2012-09:42:00 AM
FTA Trung Quốc - Nhật Bản – Hàn Quốc: Đường dài không bằng phẳng
Cuộc hội nghị cấp cao "lịch sử" Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ năm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa qua đã làm cho triển vọng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa ba nền kinh tế lớn ở Đông Bắc Á này sáng hẳn lên.
Một cửa hàng bán rượu nhập khẩu tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc
Lãnh đạo ba nước đã nhất trí sẽ khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên trong năm nay. FTA này nếu đạt được sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với cả ba nước. Nhưng con đường đi tới cột mốc đó còn dài và không hoàn toàn bằng phẳng.
Một FTA nhiều hứa hẹn
Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc đã theo đuổi tiến trình đàm phán FTA ba bên suốt gần 10 năm qua, kể từ khi Bắc Kinh đề xuất sáng kiến thành lập khu vực thương mại tự do vào cuối năm 2002.
Trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa ba nước đã tăng hơn năm lần và hiện đã vượt quá 690 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm vị trí thứ tư và thứ sáu trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản, Hàn Quốc vào Trung Quốc tương ứng là 80 tỷ và 50 tỷ USD. Khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào hai nước này cũng xấp xỉ như vậy.
Cùng ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có tổng số dân và tổng sản lượng kinh tế chiếm 22% toàn cầu. Ba nước này cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Khối hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trở thành ba khối kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mức độ nhất thể hóa kinh tế Trung-Nhật-Hàn lại kém xa hai khối còn lại, thậm chí không bằng ASEAN và Nam Mỹ. Tuy nhiên, là ba nền kinh tế lớn và đóng vai trò quan trọng tại Đông Bắc Á cũng như Đông Á nên nếu tăng cường các quan hệ đầu tư và thương mại với nhau, Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc có thể hợp thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc và Nhật Bản hiện là các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, còn Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Theo một nghiên cứu về tính khả thi của FTA do chính phủ ba nước đưa ra năm ngoái, ba nhà xuất khẩu lớn nhất châu Á này chiếm tổng cộng 19,6% GDP và 18,5% hoạt động xuất khẩu toàn cầu trong năm 2010.
Mức độ tăng trưởng thương mại nhanh chóng của ba nước này một phần phản ánh sự mở rộng của các chuỗi cung cấp hàng hóa mà đích đến cuối cùng là các thị trường phương Tây. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang hưởng lợi từ nhu cầu tăng tại các thị trường láng giềng.
Việc ba nền kinh tế định hướng xuất khẩu chủ chốt đang tìm cách tăng cường giao thương với nhau khi cuộc khủng hoảng nợ và tăng trưởng ảm đạm đang phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu hàng nhập khẩu tại EU và Mỹ là điều không có gì ngạc nhiên. Yếu tố này cho thấy điều kiện hợp tác kinh tế Trung-Nhật-Hàn đang chín muồi và việc xây dựng FTA là phù hợp với xu thế chung của thế giới.
FTA Trung-Nhật-Hàn có thể sẽ có tầm quan trọng vô cùng to lớn về mặt kinh tế không chỉ đối với các nước này mà còn đối với cả toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhận định việc ba nền kinh tế lớn ở một khu vực sôi động nhất thế giới như Đông Bắc Á ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra sinh lực cho khu vực và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập.
Một hiệp định như vậy có thể nâng GDP của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thêm các mức tương ứng là 2,9%, 0,5% và 3,1%.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Muyng-Bak cho rằng với một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc phải nhanh chóng thành lập một khu vực thương mại tự do.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ năm này, lần đầu tiên vấn đề khu vực thương mại tự do chiếm vị trí quan trọng nhất trong chương trình nghị sự. Có thể nói, các bên sẵn sàng gác sang một bên những bất đồng chính trị để hướng tới những lợi ích kinh tế lâu dài.
Chỉ cần ba nước đồng tâm hiệp lực, xác định rõ các lĩnh vực hợp tác cụ thể để củng cố lòng tin cũng như phân chia lợi ích một cách thỏa đáng, một FTA trong tương lai là điều hoàn toàn có thể hy vọng.
Đường dài không bằng phẳng
Tuy nhiên, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn Nhà kinh tế (Anh) cho rằng bất kể những lợi ích tiềm tàng vô cùng lớn, một FTA ba bên như vậy sẽ đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán kéo dài với nhiều chướng ngại, không chỉ là sự va chạm lợi ích kinh tế, chính trị giữa bản thân các nước mà phần nào còn là sự ngăn cản từ phía Mỹ.
Các tiền lệ cho thấy các nước này đã phải mất nhiều năm mới có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại song phương, và trong trường hợp này, các cuộc đàm phán ba bên sẽ vấp phải nhiều vấn đề phức tạp hơn.
Sự cạnh tranh khá lớn giữa ba nền kinh tế chính là trở ngại đầu tiên đối với quá trình đàm phán FTA. Theo ông Đinh Nhất Phàn, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển thế giới thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Chính phủ Trung Quốc, khó khăn trong đàm phán FTA giữa ba nước sẽ xuất hiện trong vấn đề hàng nông sản.
Việc hàng nông sản Trung Quốc có chất lượng và sức cạnh tranh tốt đã khiến cả Nhật Bản và Hàn Quốc hết sức e ngại trong nhiều năm qua.
Hàng nông sản của Trung Quốc sẽ là đòn tấn công mạnh đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi các sản phẩm chế tạo như xe hơi, hợp kim từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của các ngành nghề liên quan của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các lợi ích bảo hộ thâm căn cố đế tại mỗi nước cũng sẽ tạo ra những thách thức to lớn. Trung Quốc sẽ khó có thể có những nhượng bộ gây ra mối đe dọa đối với khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp chiến lược, trong khi các nhà sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng chính trị trong việc bảo vệ các hàng rào thương mại mang lại lợi ích cho họ.
Đối mặt với những thách thức như vậy, các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ làm dịu các cuộc đàm phán bằng cách loại bỏ các ngành nhạy cảm, nhưng điều này sẽ lại làm hạn chế tầm quan trọng về kinh tế của thỏa thuận cuối cùng.
Ngoài ra, Mỹ là một nhân tố không thể xem nhẹ bởi Mỹ không hề mong muốn ba nước Trung-Nhật-Hàn xích lại quá gần nhau.
Trong khuôn khổ các quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn, chiến lược FTA của Nhật Bản và Hàn Quốc tất yếu sẽ phải chịu sự kìm hãm của Mỹ.
Những năm gần đây, Mỹ đã trở lại châu Á, chủ xướng và vận động các nước Đông Á tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sân chơi mà Trung Quốc bị gạt ra ngoài.
Khi sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang phía Đông đã làm gia tăng sự phức tạp trong quan hệ hợp tác ở khu vực Đông Á thì tiến trình xây dựng FTA Trung-Nhật-Hàn sẽ đối mặt với càng nhiều nhân tố không rõ ràng.
Đồng thời, sự nhiệt tình của các bên trong vấn đề đàm phán FTA cũng có những khác biệt. Nhật Bản muốn bắt đầu ngay các cuộc đàm phán FTA và theo đuổi cùng lúc TPP và FTA Trung-Nhật-Hàn vì việc tiến hành đàm phán đồng thời nhiều FTA sẽ giúp củng cố vị trí của nước này.
Tuy nhiên, Hàn Quốc lại tỏ ra miễn cưỡng do lo ngại thâm hụt thương mại với Nhật Bản có thể gia tăng nếu ký FTA với đất nước Mặt trời mọc.
Thêm vào đó, Hàn Quốc đang ưu tiên tiến hành trước đàm phán FTA với Trung Quốc, nên mối quan tâm của Seoul đến FTA Trung-Nhật-Hàn không cao.
Trong khi đó, thái độ cảnh giác trước thực tế là Nhật Bản và Mỹ nắm vai trò chủ đạo trong việc thiết lập các quy tắc kinh tế ở châu Á là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thúc đẩy FTA Trung-Nhật-Hàn, nhằm lôi kéo Nhật Bản và kiềm chế Mỹ./.
Lê Minh
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 943
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)