Theo báo cáo công bố ngày 10/9 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng Tám đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 178 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lại giảm 2,6% xuống 151,3 tỷ USD, đưa thặng dư thương mại tăng lên 26,7 tỷ USD.
Tuy xuất khẩu trong tháng Tám đã tăng vượt 1% so với mức tăng của tháng Bảy nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến tăng 3,5% mà các chuyên gia đưa ra trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu lại bất ngờ giảm mạnh và ngược hẳn lại với dự báo là tăng 3,4% của giới chuyên gia.
Tính chung trong tám tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,8% của bảy tháng đầu năm. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 5,1%.
Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là xuất khẩu phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10% trong cả năm 2012.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý 2 cũng chậm lại và chỉ đạt 7,6% - mức thấp nhất trong ba năm qua và là quý sụt giảm thứ 6 liên tiếp.
Mục tiêu của Bắc Kinh là đạt tăng trưởng 7,5% trong cả năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,3% của năm 2011 và 10,4% của năm 2010.
Bất chấp thặng dư gia tăng, những con số trên là một tin xấu đối với một nước mà xuất khẩu đóng góp tới 25% GDP và tạo việc làm cho khoảng 200 triệu người như Trung Quốc.
Hơn nữa, nhập khẩu giảm mạnh cũng là một hiện tượng không bình thường và là hồi chuông báo động cho chính phủ. Nó phản ánh nhu cầu nội địa đang yếu đi.
Một số nhà kinh tế lo ngại rằng có thể Trung Quốc sẽ không đạt được mức mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm nay, nếu không có những biện pháp kích thích kinh tế mới.
Những con số yếu kém trên cũng cho thấy sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày một suy giảm, trong bối cảnh nước này phải vật lộn với suy thoái kinh tế thế giới ngày càng lan rộng cùng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu làm kìm hãm xuất khẩu.
Nhập khẩu yếu đi tại Trung Quốc còn là một tin xấu đối với các nhà xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á, Australia, Brazil và nhiều nước khác đang phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu sang thị trường khổng lồ này.
Nhà kinh tế về Trung Quốc Lu Ting thuộc ngân hàng Mỹ Merrill Lynch, cùng nhiều nhà kinh tế khác đều cho rằng, những con số mới nhất này càng củng cố kỳ vọng rằng Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại này.
Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc cũng đã thực hiện một số biện pháp kích thích tăng trưởng bằng việc hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 9/9 tại Vladivostok (Nga), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chỉ rõ xuất, nhập khẩu đi xuống và tăng trưởng nội địa thiếu cân bằng là những thách thức lớn đối với sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc./.