Số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 21/8, cho biết các khoản vay trong lĩnh vực công của nước này tháng 7/2012, không tính các khoản cứu trợ ngân hàng, là 557 triệu bảng (tương đương 875 triệu USD).
|
Belfast, một thành phố lớn của Vương quốc Anh
|
Con số này càng làm tăng thêm mối lo ngại về khả năng thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Anh trong năm tài chính 2012-2013, khi mà các khoản vay công từ tháng 4 đến nay đã lên tới 47,2 tỷ bảng, cao hơn 11,6 tỷ bảng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 7 thường là thời điểm mang lại nguồn thu từ thuế cao, tuy nhiên năm nay, các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kép ở nước này, sau khi nền kinh tế đạt tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp.
Theo ONS, nguồn thu từ thuế doanh nghiệp giảm gần 20% trong tháng 7, kéo theo nguồn thu của Anh cũng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ tăng 5,1% so cách đây một năm, chủ yếu do các khoản chi phúc lợi tăng cao. Tính chung, nợ công thực của Anh hiện đứng ở mức 1.032 tỷ bảng, tương đương với 65,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Giới phân tích nhận định với đà tăng hiện nay, Anh khó có thể kìm chế các khoản vay mượn công trong tài khóa 2012-2013 ở mức 120 tỷ bảng như dự báo của Văn phòng chịu trách nhiệm về ngân sách (OBR).
Ngay từ khi lên nắm quyền, Chính phủ liên minh đã cam kết xóa bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2015 bằng việc tung ra hàng loạt biện pháp nhằm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, chương trình "thắt lưng buộc bụng" và nền kinh tế giảm sút đã buộc Anh phải kéo dài kế hoạch củng cố tài chính thêm hai năm nữa. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã thừa nhận Anh có thể sẽ phải duy trì các biện pháp kinh tế khắc khổ đến năm 2020.
Các tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và các chính trị gia đối lập đã khuyến cáo Anh cần giảm nhịp độ cắt giảm ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.