Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản coi là lựa chọn hàng đầu để đầu tư.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh tại Đồng Nai, nguyên nhân chọn Việt Nam là điểm đầu tư, ngoài nguồn nhân công giá rẻ, nền chính trị ổn định, doanh nghiệp còn tin tưởng những năm tới Việt Nam sẽ trở thành thị trường xuất khẩu tiềm năng sang các nước ASEAN.
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, tại Đồng Nai, chưa đầy 3 tháng đầu năm 2014 đã có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng vốn với số tiền 310 triệu USD, trong đó có bốn dự án của Nhật Bản. Cùng thời gian trên, Đồng Nai cũng đã cấp phép đầu tư mới cho 14 dự án FDI (số tiền 120 triệu USD), trong số này có sáu dự án của Nhật Bản.
Thống kê của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho thấy, đến thời điểm hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 165 dự án, số vốn gần 3,1 tỷ USD. Hiện Nhật Bản cũng đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Long Đức, khu công nghiệp đã thu hút 25 dự án của Nhật Bản với số vốn đăng ký 724 triệu USD.
Ông Nhơn cho biết, khi các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ đầu tư vào Đồng Nai sẽ được tỉnh hỗ trợ 30% chi phí dịch vụ hành chính như: Hồ sơ đăng ký đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường; miễn 100% chi phí làm con dấu, đăng ký mã số thuế. Với doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai có thêm cơ chế hỗ trợ riêng. Theo đó, tỉnh đã thiết lập 1 bộ phận trực tiếp làm việc với doanh nghiệp Nhật, bộ phận này cử người sang tận Nhật Bản giới thiệu cho doanh nghiệp Nhật hiểu biết về Đồng Nai. Khi nắm được thông tin, nhà đầu tư sẽ đến Đồng Nai và họ chỉ mất gần 10 ngày để lấy giấy phép đầu tư.
Làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam, mà cụ thể là Đồng Nai cho thấy, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đang hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản.
Năm 2010, Công ty trách nhiệm hữu hạn Daikan Việt Nam (doanh nghiệp Nhật Bản, đóng chân tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) chính thức đi vào hoạt động, sau 3 năm kinh doanh, hiện công ty đã quyết định mở rộng quy mô đầu tư gấp 3 lần so với hiện tại.
Ông Jingi Osamu , Chủ tịch Công ty cho biết, những năm qua, môi trường kinh doanh tại Đồng Nai rất thuận lợi, Công ty sản xuất tại đây đã thu được lợi nhuận, đây là nguyên nhân khiến doanh nghiệp quyết định mở rộng sản xuất. "Doanh nghiệp Nhật Bản chúng tôi tin tưởng, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường xuất khẩu tiềm năng sang các nước ASEAN. Làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ", Jingi Osamu nhấn mạnh.
Dù mới đầu tư vào Đồng Nai được gần 1 năm nhưng bà Junko Takao, Chủ tịch Công ty Sanor Electronics (đóng tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, ngoài nguồn nhân công giá rẻ, nền chính trị ổn định còn có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt, nhiều dịch vụ phát triển.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Đồng Nai, sản phẩm của họ hiện chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản và Thái Lan, tuy nhiên, trong tương lai các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia,… Các doanh nghiệp cũng mong muốn, Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần cải cách hơn nữa thủ tục hành chính; minh bạch chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ông Jingi Osamu , Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Daikan Việt Nam cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam sản xuất là để xuất khẩu, vì vậy ngành hải quan Việt Nam cần có sự cải thiện về chứng từ càng sớm càng tốt nhằm rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp".
Trong năm 2013, Đồng Nai thu hút được hơn 1,6 tỷ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản chiếm khoảng 30%. Đa số công ty Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 60% doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ; sản phẩm của doanh nghiệp một số ít phục vụ cho sản xuất trong nước còn đa số xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á; có hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động đã mở rộng sản xuất, khoảng 70% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất trong thời gian tới. Nhiều công ty Nhật Bản đầu tư ở Đồng Nai tuy có số vốn không lớn nhưng triển khai nhanh, tính khả thi cao. Sự phát triển của loại hình doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ góp phần hỗ trợ cho các công ty lớn, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Điều này, phù hợp với chủ trương phát triển bền vững mà tỉnh Đồng Nai đề ra.
Ngoài Thái Lan và Trung Quốc, các công ty Nhật đã và đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, thực tế này được chứng minh tại Đồng Nai. Song theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện cũng đã chuyển mình mạnh mẽ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Để trở thành điểm đến số 1 của doanh nghiệp Nhật, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ./.