Trong báo cáo vừa công bố mang tên ”Thực trạng nền kinh tế thế giới và triển vọng,” Liên hợp quốc nhận định rằng trong năm 2013 vừa qua, nền kinh tế của các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đã phát triển chậm lại, song dự báo sẽ khởi sắc trở lại trong hai năm tới.
 |
Ảnh minh họa. (Nguồn: bilaterals.org)
|
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo trên cho biết mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước SNG và Gruzia trong năm vừa qua chỉ đạt 2% so với mức tăng 3,4% của năm 2012. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế Liên hợp quốc, mức tăng này sẽ đạt 3,4% trong năm nay và sẽ vọt lên 4,1% vào năm tới.
Sự suy giảm tăng trưởng của nhóm nước SNG trong năm vừa qua chủ yếu do kinh tế Nga, nền kinh tế lớn nhất trong cộng đồng này, đã giảm mạnh, ảnh hưởng tới nền kinh tế của tất cả các nước SNG, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính và ngân hàng.
Riêng các nước SNG xuất khẩu năng lượng, trừ Ukraine, vẫn duy trì được mức tăng tương đối khá trong năm 2013 và nếu như trong năm nay nền kinh tế thế giới được cải thiện rõ rệt, dự báo các nước này sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn.
Các chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc dự đoán Uzbekistan và Turkmenistan sẽ dẫn đầu các nước SNG về mức tăng trưởng kinh tế trong hai năm tới, riêng Uzbekistan được dự báo sẽ đạt mức tăng 7,1% trong năm nay và 7,4% vào năm tới. Trong khi đó, than đá sẽ tiếp tục giúp Turkmenistan đấy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
Tại Kazakstan, do nhiều tồn tại của hệ thống tài chính-ngân hàng chưa được giải quyết, song dầu khí sẽ là lĩnh vực chính thúc đẩy phát triển kinh tế, có thể đạt tới mức tăng trưởng 6% trong hai năm tới.
Riêng Kyrgyzstan được dự báo sẽ có mức tăng trưởng 7% trong năm nay, song vào năm 2015, nền kinh tế nước này lại chỉ đạt mức tăng 6,5% do nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cảnh báo về tình trạng lạm phát đang có xu hướng gia tăng ở SNG, đặc biệt tại các quốc gia ở vùng Trung Á, hiện đã ở mức gần hai con số.
Ngoài ra, các nước SNG cần thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại để hàng hóa có thể tiếp cận được nhiều nhất các thị trường thế giới và thâm nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính - ngân hàng toàn cầu.
Các chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc còn cho rằng các nước SNG cần đẩy nhanh cuộc cải cách cơ cấu nền kinh tế và phải giảm bớt việc tiêu thụ quá nhiều năng lượng như hiện nay, đồng thời phải có những chính sách thỏa đáng để thúc đẩy phát triển ổn định nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.
Báo cáo về "Thực trạng nền kinh tế thế giới và triển vọng" do Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cùng năm Ủy ban khu vực thuộc Liên hợp quốc đồng soạn thảo và được công bố đều đặn vào mỗi dịp đầu Năm Mới./.