(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch, chiều ngày 19/01, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thương mại Mongens Jensen đồng chủ trì Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Đan Mạch lần thứ 4.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại phiên họp, hai Bộ trưởng đã ghi nhận những bước phát triển nhanh trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam – Đan Mạch trong thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ khi hai nước trở thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 và ký kết Kế hoạch hành động cụ thể trong năm 2014.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đây là dịp để hai bên cùng đánh giá những kết quả đã đạt được và đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Đan Mạch. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu đời giữa hai nước Việt Nam – Đan Mạch, đồng thời đánh giá cao những hiệu quả viện trợ của Đan Mạch dành cho Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng các nhà tài trợ trong đó có Đan Mạch.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại phiên họp.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thông báo khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 và những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Năm 2014 là năm thành công của Việt Nam với hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại những hiệu quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Năm 2015, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu, tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là năm Việt Nam sẽ tăng cường mạnh mẽ hơn vào hội nhập bằng việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực thi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Điều này bắt buộc Việt Nam phải cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống của người dân.
Trong khuôn khổ phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo tình hình hợp tác về hợp tác phát triển, đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Đan Mạch. Về hợp tác đầu tư, tính đến cuối tháng 01/2015, Đan Mạch có 111 dự án, đứng thứ 25/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 705.26 triệu USD. Về hợp tác phát triển, viện trợ của Đan Mạch dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức khá cao trong thời gian qua (bình quân đạt khoảng 64 triệu USD/ năm).
Tháng 9/2013, hai bên đã ký kết Hiệp định khung mới về Chương trình tài chính doanh nghiệp Danida. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được ưu tiên sử dụng khoản vốn vay ưu đãi trong thời gian tới để đầu tư vào các lĩnh vực như: Tăng trưởng xanh, giáo dục, thực phẩm, nông nghiệp và y tế.
|
Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thương mại Mongens Jensen phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thương mại Mongens Jensen đánh giá cao những những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các kết quả trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Bộ trưởng Hợp tác Phát triển và Thương mại Mongens Jensen nhấn mạnh, mối quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Đan Mạch đang phát triển theo chiều hướng tích cực và mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Đan Mạch sẽ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của mình đầu tư kinh doanh sang Việt Nam.
Hiện có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, đồ điện tử, vận tải, thực phẩm và an toàn thực phẩm, y tế.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại, hai Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục thông qua những biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp của hai bên; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư.
Trên tinh thần hợp tác thông qua cơ chế họp Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ, hai bên tin tưởng rằng quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Đan Mạch sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai bên và góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động Đối tác toàn diện mà hai bên đã cam kết./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư