Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/04/2014-15:35:00 PM
Sẽ thành lập ban điều phối nâng chất lượng chè Việt Nam
Để phát triển bền vững ngành chè Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần thành lập Ban điều phối ngành chè dựa trên mô hình Ban điều phối ngành cà phê, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các địa phương có diện tích chè lớn.
Chế biến chè xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Hùng An, tỉnh Hà Giang.
(Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Đó là đề xuất vừa được đại diện của Tập đoàn Unilever (Tập đoàn của Anh và Hà Lan) đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chè bền vững do Cục Trồng trọt tổ chức sáng nay (26/4), tại Hà Nội.

Theo đó, đề xuất này đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chấp thuận và yêu cầu Cục trồng trọt sớm soạn thảo chương trình thành lập Ban điều phối ngành chè trình Bộ trưởng trong tháng 5/2014 tới đây nhằm liên kết giữa các đơn vị sản xuất và có sự quản lý chặt chẽ trong ngành chè.
Phát biểu tại Hội thảo ông Flavio Corsin, đại diện của Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cho rằng, ngành chè Việt Nam vẫn chưa được cơ cấu tốt tại cấp trung ương, cấp tỉnh. Chất lượng chè Việt Nam còn thấp, nhiều nhà máy có hiệu quả sản xuất hạn chế dựa trên tiêu chuẩn do nhà nước ban hành, đặc biệt những nhà máy xếp loại C vẫn được phép sản xuất chè.
“Còn đối với các hộ trồng chè bên ngoài (tư nhân) vẫn đang hoạt động riêng biệt và chưa có sự liên kết tổ chức thành các nhóm sản xuất. Hộ trồng chè tư nhân chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc sản xuất chè bền vững cũng như sự cần thiết trong việc sử dụng hóa chất nông nghiệp có trách nhiệm,” ông Flavio Corsin cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, hiện nay ngành chè còn tồn tại nhiều hạn chế về quy mô, nguồn giống, sản lượng cũng như chất lượng dẫn đến giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam thấp.
“Quy mô sản xuất chè nhỏ, bình quân chỉ khoảng 0,2 ha/hộ nên khó tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới và khó chứng chận chè an toàn. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến được cấp phép xây dựng nhưng không có vùng nguyên liệu, trình độ công nghệ chế biến thấp dẫn đến chất lượng chè không cao. Hiện giá chè xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất trong 10 nước xuất khẩu chè của thế giới,” Cục trưởng Phạm Đồng Quảng nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu cần mở rộng chuỗi liên kết trong ngành chè; trong đó, muốn mô hình thành công thì các đơn vị phải sớm thành lập một Ban điều phối ngành chè đồng thời cần siết chặt quản lý các đơn vị cơ sở chế biến không đạt chất lượng và ban hành cơ chế xử phạt theo quy định.
“Mục đích của việc thành lập Ban điều phối nhằm thống nhất định hướng phát triển ngành chè, tập trung hướng dẫn các khâu kỹ thuật cho các hộ nông dân đồng thời có sự hỗ trợ thiết thực nhằm phát triển ngành chè bền vững đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Quốc tế,” Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Thông qua chương trình Hội nghị và Dự án hợp tác công tư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Unilever phát triển chè bền vững, tập đoàn Unilever cam kết đến năm 2020 sẽ tiêu thụ giúp Việt Nam khoảng 30.000 tấn chè đồng thời giúp Việt Nam nâng cao chất lượng chè từ thang điểm mức 3/10 như hiện nay đạt lên mức 4/10.
Quy mô hợp tác dự án bao gồm 6 tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Nghệ An./.
Thanh Tâm
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 749
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)