(MPI Portal) – Sáng ngày 03/02/2015, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA giữa Ban Chỉ đạo và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo gồm các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng đại diện Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển (ADB, AfD, KfW, JICA, KEXIM, WB).
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tổng quan tình hình thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết năm 2014 đạt 4.362,13 triệu USD (4.160,08 triệu USD ODA và vay ưu đãi, 202,05 triệu USD viện trợ không hoàn lại). Tổng giá trị các hiệp định ký kết năm 2014 bằng khoảng 68% của năm 2013. Nguyên nhân dẫn đến giá trị ký kết năm 2014 thấp hơn so với năm 2013 là do các cơ quan Việt Nam chú trọng đến công tác chuẩn bị dự án, chất lượng văn kiện và tính khả thi của các chương trình, dự án đảm bảo duy trì nợ công bền vững.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi huy động trong năm 2014 vẫn tiếp tục được ưu tiên sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó các ngành giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp, môi trường và phát triển đô thị chiếm tỷ trọng khá lớn (trên 70%). Các ngành nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tăng cường năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực…chiếm tỷ trọng khiêm tốn (trên 20%). Trong thời gian tới cần có các giải pháp thu hút nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho lĩnh vực hạ tầng xã hội.
Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong năm 2014 đạt khoảng 5.600 triệu USD, trong đó, ODA vốn vay là 5.300 triệu USD và ODA viện trợ không hoàn lại là 300 triệu USD, cao hơn 9% so với năm 2013.
Trong tổng số vốn giải ngân năm 2014 có khoảng 2.498 triệu USD thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản, khoảng 2.100 triệu USD thuộc nguồn vốn cho vay lại, khoảng 270 triệu USD thuộc nguồn vốn hành chính sự nghiệp và khoảng 732 triệu USD từ các khoản hỗ trợ ngân sách.
Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chủ quản, các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục duy trì được mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1.788 triệu USD; WB 1.595 triệu USD, ADB 1.512 triệu USD.
Trong năm 2014, một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân – sân bay Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng trong tiến trình phát triển khu vực phía Bắc.
Tuy tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn chậm hơn so với tiến độ đã cam kết theo hiệp định. Giải ngân giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương còn chưa đồng đều. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động… Giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác.
Tình hình tiếp nhận và thực hiện vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đã đạt được những tiến bộ nhất định do có sự điều hành sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của ngành, sự phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ.
Những hoạt động nổi bật trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 bao gồm: Hoàn thiện thể chế và chính sách về ODA và vốn vay ưu đãi; Triển khai hoạt động của ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi; Công tác giám sát và đánh giá dự án được chú trọng và tăng cường.
Tuy nhiên, công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong năm 2014 vẫn còn những hạn chế, bất cập trong giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, năng lực nhà thầu, khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ…
Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau: xây dựng Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 – 2020; thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư công; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế 2005 phù hợp với Hiến pháp 2013 trong đó cho phép áp dụng quy trình rút gọn đối với việc ký kết các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, tăng cường chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt trong khuôn khổ các chương trình hợp tác phát triển trung hạn của các nhà tài trợ như WB, ADB… Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các các cuộc họp kiểm điểm, xử lý kịp thời.
Ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thêm các giải pháp liên quan đến cơ chế tài chính trong nước đối với vốn vay ODA và ưu đãi; về giao kế hoạch giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi; về vốn đối ứng cho các chương trình, dự án Oda và vốn vay ưu đãi.
Tại Hội nghị, đại diện Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển đã trình bày các nội dung về quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA để đạt kết quả tốt hơn và đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện danh mục dự án ODA như: cần tư duy định hướng chiến lược ODA cho thời gian tiếp theo; giải trình với Quốc hội về các vấn đề của ODA cùng với những dẫn chứng cụ thể; trình tự rõ ràng cho các cơ quan chính phủ trong việc ra quyết định về chiến lược và định hướng chính sách ODA…
|
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam với những công trình hạ tầng được xây dựng nhanh chóng, đảm bảo chất lượng tốt. Nguồn vốn ODA đã giúp Việt Nam đạt được những kết quả phát triển ấn tượng, không chỉ về hạ tầng mà còn về đào tạo, nhân lực, xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung ODA để thực hiện các dự án về giáo dục, y tế.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Ông Tomoyuki Kimura khẳng định, ADB cam kết tiếp tục phối hợp với Việt Nam để đạt được những thỏa thuận cụ thể trong việc sử dụng và tăng cường tính hiệu quả của nguồn vốn ODA.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảm ơn sự quan tâm của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự tham gia của các nhà tài trợ trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA và đạt được những kết quả tích cực. Các dự án ODA đã đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế vànâng cao hiệu quả nền kinh tế của Việt Nam.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình, dự án ODA; tiếp tục rà soát, thực hiện để nâng cao chất lượng dự án và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đã cam kết; đồng bộ, hài hòa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ODA;…/.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư