Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/03/2015-18:07:00 PM
Hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) – Sáng ngày 25/3/2015, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh các nguồn vốn như ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn đầu tư phát triển trực tiếp nước ngoài, hai Nghị định trên được coi là khung pháp lý cơ bản cho việc triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam, chính thức mở ra một cách làm mới thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước.

Hiện nay, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng của nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức PPP nhằm thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân là một kênh hiệu quả. Chính phủ Việt Nam hiện đang triển khai kế hoạch xây dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý rõ ràng và có hệ thống về đầu tư theo hình thức PPP, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các thông tư, văn bản hướng dẫn khác có liên quan. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc phát huy mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng ở Việt Nam.

Ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội nghị. Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội nghị, ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP được Chính phủ ban hành ngày 14/02/2015, có hiệu lực từ ngày 10/4/2015. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở khắc phục những hạn chế trong khung pháp lý trước đây về PPP, tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam cũng như theo thông lệ quốc tế. Theo đó, Nghị định PPP đã đưa ra một số nội dung được đổi mới bao gồm:

Thứ nhất, phù hợp thông lệ quốc tế, tiếp nối đà đổi mới của Việt Nam. Nghị định ra đời trong bối cảnh đất nước đang triển khai những kế hoạch thực chất của hội nhập kinh tế quốc tế cùng với tiến trình tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu đầu tư công. Hướng đổi mới này nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài, nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Song song với đó, Nghị định yêu cầu công khai hóa, minh bạch hóa thông tin dự án và danh mục dự án nhằm tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh trong lĩnh vực này.

Hai là, mở rộng lĩnh vực: Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, mở rộng hơn nhiều so với các văn bản trước đây, từ kết cấu hạ tầng cơ bản như giao thông, điện, cấp, thoát nước đến các công trình, dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, văn hóa. Việc triển khai PPP trong các ngành, lĩnh vực cầnđượcưu tiên trong quá trình hoạchđịnh và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới.

Ba là, bổ sung loại hợp đồng mới: bên cạnh các loại hợp đồng truyền thống như BOT, BTO, và BT, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP bổ sung một số loại hợp đồng mới như BOO, O&M, BTL và BLT. Thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức này tại Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy việc bổ sung các loại hợp đồng này là cần thiết.

Bốn là, nhấn mạnh khâu chuẩn bị dự án: điểm đổi mới nổi bật của Nghị định này là yêu cầu dự án phải thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư trước khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Quá trình nghiên cứu trải qua hai giai đoạn rõ nét là đề xuất dự án để đánh giá tính phù hợp với hình thức đầu tư PPP và lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để đưa ra những giải pháp cụ thể cho quá trình triển khai.

Năm là, khung pháp lý mới về PPP chú trọng kiểm soát “đầu ra” thay cho việc quản lý chặt các yếu tố “đầu vào”: Đây là cách tiếp cận mới đòi hỏi sự chuyển biến về cách nghiên cứu, cách quản lý dự án.

Điểm mới thứ sáu: quy định rõ về vốn đầu tư công tham gia thực hiện dự án. Trong nhiều trường hợp, dự án với mục đích công không có đủ nguồn thu để đảm bảo khả năng hoàn vốn, khi đó dự án cần tới sự tham gia của Nhà nước. Nghị định này quy định rõ về thủ tục thu xếp nguồn vốn này, đảm bảo phù hợp với yêu cầu mới của Luật Đầu tư công.

Những điểm mới tiếp theo của Nghị định này là làm rõ hai phương thức tham gia vào dự án của nhà đầu tư; đáp ứng mối quan tâm của bên cho vay; xác định rõ vai trò của Nhà nước và hình thành đầu mối thực hiện; rút gọn thủ tục đối với dự án nhóm C.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Chánh Văn phòng, Văn phòng PPP phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Cũng tại Hội nghị, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Chánh Văn phòng, Văn phòng PPP trình bày tổng quan Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được Chính phủ ban hành vào ngày 17/3/2015, có hiệu lực từ ngày 05/5/2015. Những điểm mới cơ bản của Nghị định này gồm: góp phần hoàn thiện cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân; tăng cường công khai minh bạch; làm rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu; ưu đãi cho nhà đầu tư đề xuất dự án PPP; kiểm soát “đầu ra” thay cho “đầu vào”; chi tiết hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư; xác định danh mục dự án sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai và rút gọn thủ tục đối với dự án quy mô nhỏ.

Nghị định 30 bổ sung cơ chế cạnh tranh hướng tới hiệu quả tối ưu của các dự án trong lĩnh vực này. Nghị định này chi tiết hóa các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng các khu “đất vàng”, đồng thời hướng dẫn chi tiết về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư từ danh mục dự án, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu tới kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Nghị định 30 quy định rõ hồ sơ mời thầu phải nêu các tiêu chí đánh giá về chất lượng công trình, dịch vụ được cung cấp. Đây là điểm khác biệt cơ bản với hồ sơ mời thầu đối với nhà thầu. Với nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu không chỉ định công nghệ để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư. Nghị định này mở ra cơ chế huy động tối đa sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong việc triển khai các dự án hạ tầng tại các vị trí đất cần chỉnh trang đô thị. Theo đó, nhà đầu tư góp nguồn lực với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sau đó đầu tư xây dựng công trình. Với cơ chế này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể khai thác tối đa nguồn lực từ lợi thế vị trí của quỹ đất, đồng thời đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai dự án theo đúng công năng, mục đích đã quy hoạch.

Hai nghị định nêu trên được coi là khung pháp lý cơ bản, theo nhu cầu thực tiễn đồng thời tiếp cận hơn với các yêu cầu và thông lệ quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam mở rộng hơn cánh cửa thu hút nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Tại Hội nghị, các đơn vị truyền thông, báo chí đã được giải đáp về các nội dung liên quan đến hai Nghị định này./.

Nghị định 15

Nghị định 30

Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5152
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)