(MPI Portal) – Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) và Quyết định số 212/QĐ-BKHĐT ngày 26/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi), ngày 06/4/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi).
|
TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được tổ chức với mục đích triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi).
Nội dung lấy ý kiến của Dự thảo bao gồm: Quy định chung, Quyền sở hữu và các vật quyền khác; Nghĩa vụ và hợp đồng; Thừa kế; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tốnước ngoài; Điều khoản thi hành; Kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ Luật dân sự (sửa đổi). Trong đó, lấy ý kiến chuyên sâu vào các vấn đề, Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; Quyền nhân thân; Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; Hình thức sở hữu; Thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác; Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; Thời hiệu.
Tại Hội nghị, TS. Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp đã chia sẻ những định hướng cơ bản mà Bộ Luật dân sự (sửa đổi) hướng đến như xây dựng Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trở thành đạo luật gốc của hệ thống luật tư, công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền dân sự của công dân. Hoàn thiện chế độ sở hữu để đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất nước. Những điểm mới của Bộ Luật dân sự (sửa đổi) là thay đổi 06 hình thức sở hữu thành 03 hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung; Các chủ tài sản phải bình đẳng với nhau; Bỏ hình thức sở hữu tập thể; Bổ sung các hoạt động vật quyền; Xây dựng hệ thống dự liệu về hoạt động để các quan hệ về thị trường.
Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phổ biến nội dung, cách thức thức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ và xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi), trình Bộ trưởng trước ngày 08/4/2015 và gửi Bộ Tư pháp trước ngày 15/4/2015. /.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư