Chiều 3/4, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
|
Sau khi nghe các bộ, ngành đóng góp ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá cao và đồng tình ủng hộ tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng đề án khá toàn diện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đây cũng là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra một đề án lớn, rất quan trọng và mang tính lâu dài, bền vững.
Tuy nhiên, để đề án triển khai đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần làm rõ thêm nguyên nhân thực trạng tồn tại những khó khăn trong thời gian qua, bài học rút ra là gì.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Tháp đánh giá rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với vùng; gắn Đề án tái cơ cấu của tỉnh với quy hoạch chung của cả nước và khu vực.
Ngoài mục tiêu chung của đề án, tỉnh cần đưa ra một số chỉ tiêu như tăng giá trị trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người của nông dân trong tỉnh.
Về nhóm giải pháp, tỉnh cần gắn quy hoạch của tỉnh với quy hoạch của các bộ, ngành Trung ương mà cụ thể là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương.
Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất là rất quan trọng, rất cần thiết, nên địa phương cần làm thí điểm một số mô hình sau đó nhân rộng ...
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm của địa phương, đó là phải xây dựng chính sách gắn với thực tiễn và cần hỗ trợ vốn cho một vài dự án thí điểm, hỗ trợ giống, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu đảm bảo chất lượng ...
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục hoàn thiện đề án, trên cơ sở đó Chính phủ chính thức cho triển khai thực hiện.
Mục tiêu cụ thể của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp là đến năm 2020 sẽ ổn định tăng trưởng nông nghiệp của địa phương bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng nông nghiệp chung của cả nước, với tốc độ tăng trưởng đạt 4,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 5%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản tương đương với giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không chỉ là đề án riêng của ngành nông nghiệp, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn, đó là phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh Đồng Tháp gắn với xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng nông thôn mới. Hai chủ thể chính của đề án là nông dân và doanh nghiệp có sự liên kết gắn bó chặt chẽ với nhau.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp nhất thiết phải gắn với kinh tế hợp tác, gắn với liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cho nên đề án cần bám vào các mô hình sản xuất liên kết có hiệu quả để nhân rộng.
Ngoài ra, đề án cần gắn với quy hoạch chung của ngành nông nghiệp cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và địa phương cần chọn ra cho được các loại cây, con chủ lực của tỉnh và phải tính đến đầu ra./.