Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/05/2015-14:15:00 PM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2015
Báo cáo số 2459/BC-BKHĐT ngày 25 tháng 4 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Về tình hình kinh tế vĩ mô

- Về giá cả thị trường: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,14% so với tháng trước, là mức tăng tháng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm (Tháng 3 tăng 0,15%). CPI tháng 4 tăng 0,04% so với tháng 12/2014; tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,8%.

- Về thu - chi ngân sách nhà nước: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4/2015, tổng thu NSNN ước đạt 262,3 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 311,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,2% dự toán.

- Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 9,5% so với tháng 4 năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; trong đó: Sản xuất và phân phối điện ước tăng 10,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 10,1%; công nghiệp khai khoáng ước tăng 6,7%.

- Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tính đến 15/4/2015, diện tích gieo trồng lúa Đông xuân cả nước đạt gần 3,1 triệu ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Các tỉnh phía Nam đã thu hoạch được 1,65 triệu ha lúa Đông xuân, tăng 12,2% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản thu hoạch xong, đạt 1,53 triệu ha, tăng 15,1%.

Tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tình hình khô hạn kéo dài và chưa có dấu hiệu thuyên giảm đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân; nhiều hồ, đập nhỏ và vừa có mực nước xuống quá thấp; nguồn nước chống hạn ngày càng khó khăn, diện tích cây trồng bị khô hạn và thiếu nước sinh hoạt có thể còn tăng thêm trong thời gian tới. Nắng hạn kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy rừng và gây thiệt hại đáng kể về rừng tại các địa phương trong tháng 4 năm 2015.

- Về khu vực dịch vụ: Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2014, nếu loại trừ yếu tố giá tăng gần 8%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng, cho thấy các tín hiệu tốt về phục hồi sức mua và tổng cầu.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 ước đạt 690,4 nghìn lượt người, tăng 11,7% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt gần 2,7 triệu lượt khách, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

- Về xuất nhập khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9%; nhập siêu gần 3 tỷ USD, bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Về đầu tư phát triển: Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu t­­ư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014. Có 448 dự án cấp mới, tăng 14,9% so với cùng kỳ; 167 lượt dự án tăng vốn, tăng 19,3%. Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân ước đạt 568 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

2. Về an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác

- Về lao động việc làm: Trong 4 tháng đầu năm, ước tạo việc làm khoảng 500,7 nghìn người, đạt 31,2% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu lao động khoảng 35,7 nghìn người, tăng 3,9%.

- Lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Các cấp các ngành đã tích cực thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Công tác y tế dự phòng, bảo đảm vệ sinh ATTP tiếp tục được tăng cường. Công tác khám chữa bệnh tiếp tục được quan tâm thực hiện; tăng cường quản lý chất lượng cơ sở khám chữa bệnh; hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, hợp tác đào tạo y khoa có thực hành khám bệnh;...

- Các hoạt động văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, hoạt động thông tin truyền thông được tích cực triển khai, đẩy mạnh; đã phát động nhiều cuộc thi, tổ chức triển lãm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chuẩn bị Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú...

- Về an toàn giao thông: So với cùng kỳ năm trước, tình hình tai nạn giao thông 4 tháng đầu năm đã giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 12,2%, số người chết giảm 4,6% và số người bị thương giảm 16,94%.

Đánh giá chung, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng; lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI có chuyển biến tích cực. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ phát triển khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về phục hồi tăng sức mua, tổng cầu. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu tăng. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn: Nhập siêu có xu hướng tăng; diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 4 khá lớn. Đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng bị thiên tai, hạn hán còn nhiều khó khăn./.


File đính kèm:
BC_Chinh_phu_T4.15.final.docx
PL_Thang_4.2015.xlsx

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5186
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)