(MPI Portal) – Ngày 15/5/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Trọng Khanh, các chuyên gia trong nước, quốc tế và đại diện một số địa phương.
|
Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ Đỗ Trọng Khanh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý đồng nhất, nâng cao hiệu quả đầu tư công với nhiều điểm mới áp dụng theo thông lệ quốc tế sẽ tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện như: chủ động sắp xếp tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 5 năm; rà soát danh mục dự án đầu tư, bao gồm dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới; dự kiến phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Chia sẻ về sự cần thiết của một chương trình tài chính trung hạn (MTFF), chuyên gia quốc tế Paul Beckerman cho rằng, khi chuẩn bị ngân sách thường niên cho năm tiếp theo sẽ rất có ích nếu các nhà phân tích chính phủ có dự báo về khả năng diễn tiến của các tài khoản ngân sách trong những năm sau ngân sách đó. Khi phê duyệt ngân sách thường niên của năm tiếp theo, sẽ rất có ích nếu chính phủ và quốc hội tham chiếu tới dự báo về khả năng diễn tiến của các tài khoản ngân quỹ trong những năm tiếp theo năm ngân sách đó. Khi các cơ quan thực hiện ngân sách thường niên sẽ rất có ích nếu các cơ quan này được cập nhật về dự báo ngân sách trung hạn mới nhất, được xem là kim chỉ nam cho mỗi quyết định. Đối với quá trình phê duyệt ngân sách, các cơ quan chức trách và cơ quan lập pháp thường tham chiếu đến các hệ quả trong những năm tiếp theo trước khi ra quyết định cuối cùng. Đối với quá trình thực hiện ngân sách, các nhà chức trách sẽ phải đối mặt với các tình huống bất ngờ khi quản lý các khoản thu, chi và dòng tài trợ.
Theo Chuyên gia, mục đích cơ bản của một MTFF là giúp chính phủ quản lý quy trình xây dựng ngân sách thường niên, ngoài ra, giúp chính phủ trong việc đối thoại với các tổ chức quốc tế như IMF và WB, xây dựng các kịch bản chương trình tài chính phát hành trái phiếu chính phủ và giải quyết một số vấn đề đặc biệt. Hơn nữa, MTFF còn giúp chính phủ cải thiện minh bạch hóa chính sách bằng cách phổ biến công khai chương trình kinh tế vĩ mô trung hạn. MTFF được xác định trên cơ sở tham chiếu tới cơ cấu ngân sách cơ bản của nhà nước bao gồm: chi thường xuyên không lãi, chi trả lãi (vay trong nước và ngoài nước), chi đầu tư, thuế và các khoản thu ngân sách ngoài thuế, tổng dòng tài trợ ròng (trong và ngoài nước).
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal) |
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết, Úc và Anh là những nước đầu tiên áp dụng chính sách tài khóa theo khuôn khổ trung hạn vào đầu những năm 1980, sau đó các nước Đan Mạch, Niu Di-lân, Hà Lan, Na Uy, cũng áp dụng vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990. Đến cuối năm 2008, khoảng 132 nước áp dụng một hình thức nào đó của chính sách tài khóa khuôn khổ trung hạn (MTF), bao gồm: MTBF (khuôn khổ ngân sách trung hạn), MTPF (khuôn khổ trung hạn theo kết quả hoạt động), MTEF (khuôn khổ chi tiêu trung hạn). Việt Nam đã áp dụng thí điểm 4 kế hoạch tài chính trung hạn và chi tiêu trung hạn cho 6 bộ, 4 tỉnh trong giai đoạn 2006-2011 và mang lại những kết quả tích cực: cải thiện công tác quản lý ngân sách theo hướng minh bạch hơn; cơ hội cho cán bộ học tập, làm quen với MTEF; thiết kế biểu mẫu về MTEF, quy trình phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Áp dụng MTEF, các bộ, ngành có quyền tự chủ cao về ngân sách trong trần chi tiêu song cũng đặt ra nhiều thách thức: vấn đề lợi ích cục bộ của ngành, địa phương; tình hình kinh tế vĩ mô nhiều biến động; khuôn khổ pháp luật và thể chế áp dụng MTEF còn hạn chế; năng lực thống kê, phân tích, dự báo…
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe chuyên gia quốc tế trình bày về mối quan hệ giữa kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư, đồng thời thảo luận làm rõ hơn những nội dung trong báo cáo, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc áp dụng cho Việt Nam trong thời gian tới./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư