Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/05/2014-09:40:00 AM
Xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long
(MPI Portal) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng dự thảo đề án: “Xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21511155.JPG

Ngày 15-16/7/2013, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ thực hiện Đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng thí điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long”
Ảnh: Internet

Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các hợp tác xã trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSCL về dự thảo Đề án. Về cơ bản các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với nội dung dự thảo Đề án, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến. Dự thảo Đề án gồm các nội dung sau:

Tiềm năng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích của cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 3,2 triệu ha, chiếm 77% diện tích đất toàn Vùng; dân số đạt trên 17.330,9 nghìn người tính đến tháng 9/2012chiếm gần 20% dân số cả nước, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 10.385,7 nghìn người.

Kinh tế Vùng ĐBSCL có bước khởi sắc đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy bước đầu các lợi thế; nhiều mô hình tốt trong sản xuất, kinh doanh đã xuất hiện và đang được nhân rộng; cơ sở hạ tầng từng bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng bình quân đạt 7,7%/năm giai đoạn 2001- 2005 và 7,5%/năm giai đoạn 2006 – 2010; tỷ lệ hộ nghèo của toàn vùng năm 2012 là 9,24%.

ĐBSCL có vai trò hàng đầu của cả nước trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Hàng năm, ĐBSCL đã đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lương thực và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, thu về ngoại tệ hơn 2 tỉ USD/năm; sản xuất thủy sản chiếm hơn 60% tổng sản lượng, đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu của cả nước và thu về trên 2,5 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, thách thức lớn với ngành nông nghiệp nước ta hiện nay nói chung và với vùng ĐBSCL nói riêng là: (1) quy mô sản xuất hàng hóa vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát cao, chưa có sự phối hợp, hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại sản phẩm; sản xuất nhiều khi không thích ứng nhu cầu thị trường nhưng chưa có giải pháp xử lý thích hợp; (2) chưa có quy trình hướng dẫn kỹ thuật chuẩn mực, thống nhất tạo ra chất lượng hàng hóa cao; (3) chưa có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; chính các đơn vị sản xuất trong nước cạnh tranh lẫn nhau làm suy giảm khả năng cạnh tranh đối với hàng hóa nhất là thị trường quốc tế.

Do vậy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả vùng ĐBSCL, một giải pháp đặc biệt quan trọng là phải tạo được sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục nhiều tồn tại kéo dài sản xuất nông nghiệp như: thiếu vốn, thiếu quy trình tổ chức sản xuất; chưa có quy hoạch, phân vùng sản xuất hàng hóa, v.v.., thông qua mô hình hợp tác xã kết hợp với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. Đây là giải pháp mang tính căn bản, lâu dài không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới.

Theo kết quả điều tra 544 hợp tác xã nông nghiệp khu vực ĐBSCL, thu hút 73.342 thành viên. Trong đó, có 351 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, thu hút 43.456 thành viên, đạt 59,2% so với tổng số thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã nông nghiệp là 1.754,5 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân là 154,9 triệu đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã nông nghiệp là 38,9 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong hợp tác xã nông nghiệp là 16,2 triệu đồng/năm. Diện tích đất canh tác của thành viên hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 100.472 ha.

Số tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động tại Vùng ĐBSCL là 9.849 tổ, thu hút 318.269 thành viên, canh tác trên 167.401 ha diện tích đất, mặt nước. Doanh thu bình quân của các tổ hợp tác là 129 triệu đồng/năm/tổ, thu lợi nhuận 81 triệu đồng/năm.

Vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác

Trong thời gian qua, vai trò của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đối với thành viên và nhân dân trong vùng ngày càng thể hiện rõ nét hơn; đã bước đầu hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, giúp thành viên ổn định và cải thiện đời sống, sản xuất. Thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác đã bước đầu có lợi ích thiết thực từ hợp tác xã, tổ hợp tác như: giảm chi phí sản xuất, hạ được giá thành sản xuất thông qua tiết kiệm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng lợi nhuận. Đồng thời, thông qua việc phân phối lợi nhuận, hợp tác xã đã tạo thêm thu nhập cho hộ thành viên, góp phần nâng cao đời sống của họ. Ngoài ra, hợp tác xã, tổ hợp tác còn tích cực tham gia thực hiện công tác xã hội tại địa phương.

Như vậy, hợp tác xã, tổ hợp tác bước đầu và dần chứng tỏ rõ hơn là loại hình tổ chức kinh tế phù hợp đối với nông nghiệp, nông thôn; cần được củng cố, mở rộng và tiếp tục phát triển; tạo điều kiện giúp nông dân quen dần với phương thức làm ăn mang tính tập thể, có sự hợp tác với nhau, cùng phát triển.

Tuy nhiên, khu vực hợp tác xã vẫn còn có những hạn chế như: phần lớn các hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ, số lượng thành viên ít, hoạt động đơn lẻ, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh còn thấp, hoạt động ở phạm vi hẹp trong ấp hoặc liên ấp, vốn điều lệ góp thực tế rất thấp hoặc góp vốn mang tính hình thức, mang lại lợi ích cho thành viên chưa nhiều; không có sự hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh lẫn nhau vừa dễ bị tác động bởi thị trường; nhất là chưa thể hiện được đúng và đầy đủ bản chất tổ chức hợp tác xã.

Công tác quản lý, điều hành của nhiều hợp tác xã hiệu quả thấp, chưa chú ý khai thác tốt nội lực của xã viên trong phát triển sản xuất kinh doanh, như góp vốn, sử dụng dịch vụ của hợp tác xã, chia sẻ thông tin tay nghề; đa số hợp tác xã không thực hiện được chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; trình độ quản lý của cán bộ hợp tác xã còn hạn chế.

Những thua thiệt của kinh tế hộ nông dân trong vùng

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang được Đảng và nhà nước quan tâm phát triển. Đã có nhiều chính sách, chương trình và đề án được Nhà nước ban hành nhằm hỗ trợ phát triển, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại lâu dài nhiều vấn đề, như: nhu cầu và mong muốn của nông dân chưa được các đối tác quan tâm, giúp đỡ; chính sách hỗ trợ cho nông dân khá nhiều, từ mua lúa tạm trữ, giải cứu cá tra, hỗ trợ dịch cúm gia cầm, lúa bị vàng lùn - xoắn lá, v.v..., nhưng nông dân vẫn bị thiệt thòi; các lợi ích phần lớn rơi vào khâu trung gian, doanh nghiệp, thương lái.

Mặt khác, do chưa có giải pháp thích hợp, sản xuất của người nông dân vẫn nhỏ lẻ, cạnh tranh lẫn nhau. Cuộc sống của người nông dân vẫn chậm được cải thiện, cùng với một số nguyên nhân khác thường rơi vào tình trạng xảy ra thường xuyên “được mùa mất giá”.

Sự thua thiệt của người nông dân trên thị trường đã diễn ra ở nước ta trong thời gian lâu dài, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng xin nêu 4 nguyên nhân chính: Sự cắt khúc chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân; Sự đơn lẻ của kinh tế hộ nông dân trên thị trường; Đặc trưng của nông sản; Sản xuất của nông dân và hỗ trợ của Nhà nước.

Để khắc phục những thua thiệt của nông dân trên thị trường và những nhược điểm của chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần phải tìm giải pháp xử lý trực tiếp vào các nguyên nhân chủ yếu nêu trên. Mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 là giải pháp thích hợp nhất nhằm giúp khắc phục đồng thời cả 4 nguyên nhân nêu trên, được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới.

Cụ thể, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng cả dịch vụ đầu vào và đầu ra đối với hoạt động kinh tế của thành viên, mang lại lợi ích lớn hơn cho thành viên với tư cách là khách hàng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên với tư cách là chủ sở hữu đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đến cuối năm tài chính sẽ được chia sẻ lợi nhuận hình thành ở công đoạn thứ nhất và công đoạn thứ 3 của chuỗi giá trị nông sản. Giảm cạnh tranh giữa các thành viên/nông dân đối với những sản phẩm, dịch vụ chung thông qua hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó, thông qua hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân có thể cùng nhau áp dụng quy trình sản xuất thống nhất với tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm, tạo quy mô hàng hóa lớn. Mặt khác, khi các thành viên liên kết với nhau tạo kinh tế quy mô thông qua hợp tác xã sẽ có điều kiện đầu tư khoa học, công nghệ, tiếp thị, thương hiệu, v.v.mà một hộ đơn lẻ khó có thể thực hiện được. Thông qua hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn rất nhiều bởi tác động đồng thời tới số lượng lớn kinh tế hộ, như máy móc, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo, lưu kho, bảo quản, chế biến, v.v.

Xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kiểu mới tại Vùng ĐBSCL

https://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/21511156.JPG

Ảnh: Internet

Để giải quyết một cách cơ bản những thua thiệt của người nông dân trên thị trường, nhằm nâng cao lợi ích nhiều hơn cho người nông dân, cần tạo ra một cơ chế gắn kết hữu cơ các công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông sản. Mô hình tổ chức hợp tác xã có thể đáp ứng được yêu cầu này như đã được kiểm chứng rất hiệu quả ở các nước trên thế giới. Có thể xem xét phương án xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (với tư cách là hợp tác xã của nhiều hợp tác xã, liên kết các hợp tác xã thành viên, thành viên hợp tác xã theo chiều dọc) để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đi đôi với mang lại lợi ích to lớn hơn cho nông dân.

Dự kiến sau khoảng 10 năm, nếu tích cực khuyến khích phát triển hợp tác xã thì có thể thu hút đại bộ phận nông dân vùng ĐBSCL tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã từng bước thực hiện đầy đủ các dịch vụ đầu vào, dịch vụ đầu ra cho sản xuất của hộ nông dân, mang lại lợi ích ngày càng lớn hơn cho nông dân, không chỉ ở khâu sản xuất trực tiếp của họ, mà còn từ khâu đầu vào, khâu đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Việc xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo các mô hình: Thứ nhất, mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, bao gồm: Mô hình thí điểm hợp tác xã lúa gạo; Mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh; Mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô vùng. Thứ hai, mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trái cây, bao gồm: Mô hình thí điểm hợp tác xã trái cây; Mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã trái cây quy mô vùng. Thứ ba, mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thủy sản, bao gồm: Mô hình thí điểm hợp tác xã thủy sản; Mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã thủy sản quy mô vùng.

Cách thức xây dựng mô hình thí điểm là từng bước, gối đầu nhau, trước hết là mô hình thí điểm hợp tác xã, sau đó đến mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã trái cây, cuối cùng là mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã thủy sản.

Đối với mỗi loại hình mô hình thí điểm cần thực hiện cách đi theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn 1, từ năm 2015 đến năm 2016: phát triển mô hình thí điểm hợp tác xã ; Giai đoạn 2, từ năm 2016 trở đi: xây dựng mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo quy mô tỉnh; Giai đoạn 3, từ năm 2018 đến 2020 và sau đó: xây dựng mô hình thí điểm liên hiệp hợp tác xã lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng.

Giải pháp và dự kiến hỗ trợ của nhà nước cho việc xây dựng mô hình thí điểm

Để xây dựng các mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển vững chắc, bên cạnh việc tôn trọng những nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được pháp luật quy định, cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Theo đó, các nội dung hỗ trợ là: hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã; hỗ trợ tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã hiện có; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm. Các hỗ trợ này của Nhà nước mang lại lợi ích chung cho tất cả thành viên hợp tác xã.

Ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Hợp tác xã, các mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, ví dụ như chính sách hỗ trợ thu mua lúa tạm trữ.

Kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh ĐBSCL ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mô hình thí điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng đạt hiệu quả./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2075
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)