Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/05/2015-10:56:00 AM
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Vai trò của Nhà nước (Xem tin ảnh)
(MPI Portal) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức vào sáng ngày 30/5/2015, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc và Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sĩ Kiêm đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chiếm tỷ lệ cao trong tổng các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam và là khu vực có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Trong những năm qua, Chính phủ xây dựng nhiều chính sách cho loại hình doanh nghiệp này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu, trình Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp này gồm Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP 23/10/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV. Tiếp đến, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP nhằm triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển và phát huy mọi khả năng và nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV.

Ngày 07/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1231/QĐ-TTg về Phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015. Trên cơ sở đó, các kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm và hằng năm đã được các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương và một số tổ chức hiệp hội bước đầu bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Phát triển DNNVV nhằm nâng cao chất lượng, phát triển về số lượng, đạt hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua cho thấy, chính sách trợ giúp cho DNNVV còn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình doanh nghiệp này. Tỷ lệ DNNVV tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ chính sách của Nhà nước còn ở mức khiêm tốn. Tác động hoạt động trợ giúp đối với DNNVV chưa thể hiện rõ, chưa có trọng tâm, chưa ưu tiên cho ngành trọng điểm, chưa hỗ trợ phát triển cho các cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho trợ giúp phát triển DNNVV còn phân tán, trình tự thủ tục để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DNNVV…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc.Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của DNNVV. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 với các mục tiêu cụ thể như: Số DNNVV thành lập mới giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 350.000 doanh nghiệp, đến ngày 31/12/2015 cả nước có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; Đầu tư của khu vựcDNNVV chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Khu vực DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước; DNNVV tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu chỗ làm việc mới.

Nhà nước có vai trò trong việc hỗ trợ DNNVV, đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh để các doanh nghiệp này đóng góp ngày càng cao vào phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi Việt Nam sớm ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm tạo hành lang pháp lý cho loại hình doanh nghiệp này phát triển.

Hội thảo được nghe ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tổng quan về hỗ trợ DNNVV. Tham luận chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân chính, từ đó đưa ra những đề xuất, định hướng chính sách hỗ trợ DNNVV. Tồn tại, hạn chế trong phát triển DNNVV là do chính sách trợ giúp DNNVV chưa cụ thể, chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương còn yếu; năng lực của các đơn vị đầu mối trợ giúp DNNVV yếu và thiếu; sự quan tâm và đầu tư của các địa phương đối với công tác trợ giúp phát triển DNNVV còn thấp trong khi các nguồn ngân sách trung ương hạn chế; Những yếu kém xuất phát từ nội tại DNNVV.

Do vậy, để hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này phát triển, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ trọng tâm, có tính đột phá lan tỏa; tăng cường hệ thống đầu mối trợ giúp; đẩy mạnh kênh tham vấn DNNVV. Đặc biệt, sớm ban hành Luật hỗ trợ DNNVV nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cao nhất, tạo cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả. Về phía DNNVV cần nâng cao năng lực quản lý, đầu tư đổi mới sáng tạo; thay đổi tư duy kinh doanh; tham gia các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, các chương trình hỗ trợ của nhà nước.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Hội thảo cũng được nghe các bài tham luận về đánh giá tác động của chính sách, chương trình trợ giúp của Nhà nước đối với DNNVV: Những vấn đề đặt ra; Tình hình thực hiện hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và vai trò của chính quyền địa phương; Một số trao đổi về định hướng đề xuất Luật Hỗ trợ DNNVV./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 6015
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)