Sáu tháng đầu năm 2015, nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc cũng chịu tác động từ nhiều khó khăn; song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang có dấu hiệu dần phục hồi, tăng trưởng kinh tế tăng khá so với cùng kỳ, sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá; Các ngành dịch vụ đáp ứng tốt cho sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân; Thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư tăng cao so với cùng kỳ; Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được duy trì. An sinh xã hội được quan tâm. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả cụ thể như sau:
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt tốc độ khá: Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 28.012,5 tỷ đồng, tăng 7,28% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,97%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 5,51%; ngành dịch vụ tăng 8,81% và thuế sản phẩm tăng 11,94%;
Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng khá: ước GTSX (giá ss 2010) đạt 5.291,6 tỷ đồng, đạt 57,9% KH năm, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm 2014 trong đó: trồng trọt tăng 0,96%, chăn nuôi tăng 5,85%.
Ngành trồng trọt: Sản xuất vụ Đông đạt kết quả cao, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Vụ Xuân, thời tiết không thuận, một số diện tích cây lúa vào thời kỳ phân hóa đòng gặp thời tiết rét sâu nên năng suất và sản lượng đều giảm so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm Vụ Đông Xuân ước tăng 1,9% so với cùng kỳ. Năng suất lúa vụ Xuân 2015 ước đạt 59,56 tạ/ha, đạt 98% kế hoạch vụ, giảm 1,3% so cùng kỳ. Sản lượng lương thực có hạt tăng, ước đạt 245,3 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản xuất chăn nuôi tiếp tục phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt nên trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Quy mô tổng đàn bò, đàn lợn và gia cầm tăng, đặc biệt đàn bò sữa tăng mạnh (tăng 99,14%); riêng đàn trâu do cơ giới hóa trong nông nghiệp và khu vực chăn thả bị thu hẹp nên giảm cả số lượng và sản lượng.
Công tác trồng rừng tập trung, chăm sóc, và bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên; công tác PCCCR được duy trì. Sản xuất thủy sản tiếp tục ổn định; diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản và sản lượng thủy sản khai thác đều tăng so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định ở cả 3 khu vực, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá, ước giá trị sản xuất (giá ss2010) toàn ngành tăng 5,91% so cùng kỳ, trong đó: khu vực nhà nước tăng 3%, ngoài nhà nước tăng 2,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,65%.
Hầu hết sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ như Ô tô các loại ước đạt 24.101 chiếc tăng 33,9%; gạch ốp lát ước đạt 38,8 triệu m2 tăng 5,3%; gạch xây dựng ước đạt 476,9 triệu viên tăng 11,7%; quần áo các loại ước đạt 24.562 ngàn chiếc tăng 11%; thức ăn gia súc, gia cầm ước đạt 86,9 ngàn tấn tăng 47,2%;... Riêng xe máy các loại ước giảm 10,1% so với cùng kỳ (do thị trường tiêu dùng xe máy suy giảm).
Hoạt động xây dựng có chuyển biến tích cực, nên giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng 2,33% so với cùng kỳ và đạt 44% kế hoạch.
Sáu tháng đầu năm, các ngành dịch vụ đều tăng khá so với cùng kỳ nhất là các ngành thương mại, dịch vụ lưu trú và ăn uống… ước giá trị sản xuất (giá ss2010) ngành dịch vụ đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,86% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so cùng kỳ và đạt 50,6% kế hoạch. Giá cả thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 0,23% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 725,8 triệu USD, đạt 37,1% kế hoạch và tăng 15,2% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD, đạt 49% kế hoạch và tăng 22,8% so cùng kỳ.
Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng khá so với cùng kỳ cả về doanh thu, khối lượng luân chuyển và vận chuyển. Hoạt động du lịch trên địa bàn sôi động ngay từ những ngày đầu năm. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, nhất là các dịch vụ bưu chính mới.
Dịch vụ tín dụng ngân hàng tiếp tục đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tổng nguồn vốn huy động ước đạt 34,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ; tổng dư nợ ước đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so cùng kỳ và tăng 2,67% so cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2014 và hiện chiếm tỷ lệ 2,55% trên tổng dư nợ.
Về đầu tư phát triển: thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng cao so cùng kỳ ở tất cả các nguồn vốn, ước tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 10,523 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% và đạt 52,6% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước tăng 30,5%; Vốn do các doanh nghiệp DDI đầu tư tăng 36%; Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng 46% và vốn của dân cư, doanh nghiệp dân doanh tăng 12% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý đầu tư XDCB được tỉnh quan tâm, khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn đạt kết quả tích cực: Công tác quản lý đầu tư XDCB được tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là khi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015 với nhiều thay đổi trong quản lý đầu tư và xây dựng. Công tác phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản được quán triệt theo đúng các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số: 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg; việc xử lý nợ XDCB cũng được chỉ đạo thực hiện theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 3261/UBND-KT3 ngày 29/5/2015 của UBND tỉnh. Tình hình giải ngân nguồn vốn NSNN: 6 tháng đầu năm đạt khá, ước đạt 2.733 tỷ đồng, bằng 45,8% kế hoạch và tăng 30,5% so với cùng kỳ (trong đó vốn NSTW 218 tỷ đồng; NS tỉnh 1.700 tỷ đồng; NS huyện, xã: 815 tỷ đồng).
Công tác thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản được được các cấp quan tâm, chủ động thực hiện, do đó số nợ đọng XDCB đã giảm từ 4.509,2 tỷ đồng (năm 2013) xuống còn 1.871,281 tỷ đồng (thời điểm 30/3/2015). ,
Công tác quyết toán vốn đầu tư tiếp tục có bước chuyển biến tích cực: ước 6 tháng đầu năm, cấp tỉnh phê duyệt quyết toán 171 dự án tăng 11% so với cùng kỳ, với tổng giá trị 496 tỷ đồng, thông qua thẩm tra đã tiết kiệm 8,4 tỷ đồng, giảm 1,7% so với giá trị chủ đầu tư trình.
Thu ngân sách đạt kết quả khá, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ của tỉnh: Ước 6 tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 11.590 tỷ đồng, đạt 52% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa đạt 10.180 tỷ . chi ngân sách địa phương.
Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung đẩy mạnh, thu hút các dự án đầu tư tăng cao so với cùng kỳ. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, thu hút mới được 45 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó: 30 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.073 tỷ đồng, tăng 42,9% về dự án, tăng 147,2% về vốn so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 121,5 % kế hoạch; và 15 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 272,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2014: bằng 83,3% về dự án, bằng 149,6% về vốn đăng ký và đạt 136,2% kế hoạch.
Về tình hình vận động và giải ngân vốn ODA: Sáu tháng đầu năm 2015, Tỉnh đã tập trung vận động và chuẩn bị văn kiện cho 06 dự án lớn, với tổng vốn vận động dự kiến khoảng 400 triệu đô la Mỹ (USD). Trong đó, 03 dự án sử dụng nguồn vốn WB, ADB và OFID dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tài trợ vào quý III năm 2015.
Về tình hình giải ngân vốn ODA: Ước 6 tháng đầu năm giải ngân đạt 482 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ước đạt 9,8 tỷ vốn đối ứng đạt 14% so với kế hoạch, vốn ODA ước đạt 469,8 tỷ đồng đạt 293% kế hoạch. (vốn giải ngân đạt cao chủ yếu do dự án Cải thiện môi trường đầu tư đã giải quyết xong nhiều khâu trong GPMB ở địa bàn Hà Nội và xử lý xong vướng mắc trong điều chỉnh dự án của gói CP2).
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vì vậy sáu tháng đầu năm số doanh nghiệp đăng ký mới tuy tăng số lượng song số vốn đăng ký giảm so cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm đã cấp phép hoạt động cho 264 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 1.239 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 5.950 doanh nghiệp dân doanh với tổng số vốn đăng ký 40.809 tỷ đồng.
Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước được tập trung triển khai theo đúng kế hoạch. Hoạt động của các hợp tác xã được duy trì ổn định, góp phần nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho các hộ thành viên.
Công tác quy hoạch được tích cực thực hiện, công tác quản lý nhà nước về các hoạt động Khoa học - công nghệ tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên tiếp tục được đẩy mạnh.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh: Năm 2014 tỉnh đã vươn lên nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp vị trí số 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc về so với năm 2013. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAPI) tăng vị trí 5/63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp với 32 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015, tăng 12 xã so với năm 2014. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn theo cơ chế đã được HĐND tỉnh thông qua cho 20 xã xây dựng Nông thôn mới do tỉnh chỉ đạo với tổng số vốn đã phân bổ là 405 tỷ đồng. Các xã do huyện chỉ đạo cũng đã được tích cực hướng dẫn hoàn thiện thủ tục và huy động các nguồn vốn để triển khai. Trong tháng 4/2015 tỉnh đã tổ chức Hội nghị ký cam kết hoàn thành các tiêu chí năm 2015 giữa Chủ tịch tỉnh và các Chủ tịch huyện, xã đăng ký đạt chuẩn năm 2015. Tính đến tháng 6/2015, đã có 32/32 xã đã đạt 11 tiêu chí trở lên.
Giáo dục - đào tạo có bước phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được giữ vững và ổn định ở mức cao; Công tác phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm và duy trì.
Hoạt động Văn hoá - thông tin, thể thao, phát thanh và truyền hình được củng cố và phát triển; Các hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tổ chức lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi. Tỉnh đã đăng cai thành công giải chạy Việt dã Báo Tiền phong lần thứ 56; khánh thành giai đoạn I khu di tích danh thắng Tây Thiên, nhà hát và Quảng trường phục vụ du lịch và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; lập hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di sản Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích danh thắng Tây Thiên và Chùa - Tháp Bình Sơn; đặc biệt trò chơi Kéo Soong (Hương Canh) được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Phát thanh truyền hình, xuất bản các ấn phẩm được đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí của nhân dân.
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm của virut Mers-Cov tại một số nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh theo dõi sát sao, chủ động để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Công tác giải quyết lao động - việc làm tiếp tục được đẩy mạnh: Sáu tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho 10,5 nghìn lao động, đạt 89,2% so cùng kỳ và đạt 47,8% kế hoạch, trong đó riêng xuất khẩu lao động là 570 người (tăng 18% so với cùng kỳ và đạt 57% kế hoạch).
Về an sinh xã hội được quan tâm và bảo đảm: Sáu tháng đầu năm 2014, tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chế độ theo quy định.
Công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo duy trì trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự trong các dịp lễ, tết, trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp. An ninh nông thôn được giữ vững. Công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội được đẩy mạnh, qua đó số vụ phạm tội được điều tra làm rõ đạt tỷ lệ cao (87,5%), các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy được tăng cường truy quét và khởi tố trước pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm soát an toàn giao thông được đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 5/2015 trên địa bàn xảy ra 16 vụ tại nạn giao thông, làm 15 người chết, 7 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2014: giảm 3 vụ (giảm 15,8%), số người chết giảm 2 người (giảm 11,8%), số người bị thương tăng 1 người (tăng 16,7%)./.
Website UBND tỉnh Vĩnh Phúc