Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 6 tháng đầu năm 2015 trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, song UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư... Qua đó tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015 của tỉnh tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,24%, đạt khá và tăng so với cùng kỳ (6 tháng năm 2014 tăng 8,92%)
Một số chỉ tiêu cơ bản đạt khá so với kế hoạch như: Sản lượng lúa, thủy sản; thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư, vận tải, lượng khách du lịch; một số công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng như: cầu, đường, điện, cùng với việc khởi công xây dựng mới một số dự án trọng điểm của tỉnh..., đã tạo động lực và tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công, các gia đình chính sách; phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh. Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội giữ ổn định, cụ thể trên một số lĩnh vực:
- Sản lượng lúa 02 vụ Mùa và Đông Xuân 2,508 triệu tấn, đạt 54% kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ (tương đương 19.810 tấn), trong đó lúa chất lượng cao chiếm 70%.
- Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 314.604 tấn, đạt 48,62% kế hoạch, tăng 5,08% so với cùng kỳ, trong đó, tổng sản lượng khai thác 238.901 tấn, đạt 51,71% kế hoạch và tăng 3,27% so với cùng kỳ.
- Giá trị sản xuất công nghiệp 15.645 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch và tăng 10,36% so với cùng kỳ.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 30.300 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch và tăng 12,6% so với cùng kỳ
- Tổng kim ngạch xuất khẩu 183 triệu USD, đạt 34,8% kế hoạch, giảm 5,6% so cùng kỳ
- Thu hút 2,33 triệu lượt khách du lịch, đạt 55% kế hoạch và tăng 9% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đến Phú Quốc 136 ngàn lượt, đạt 61,82% kế hoạch và tăng 33,41% so với cùng kỳ
- Vận tải hàng hóa thực hiện được 4,58 triệu tấn, đạt 51% kế hoạch, tăng 5,04% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách 31,76 triệu lượt người, đạt 51,2% kế hoạch, tăng 6,32% so với cùng kỳ
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 17.439,3 tỷ đồng, đạt 51,29% kế hoạch, tăng 17,44% so cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách do địa phương quản lý giá trị khối lượng hoàn thành 2.168,7 tỷ đồng, bằng 45,5% kế hoạch, giá trị giải ngân 1.999 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch
- Tổng thu ngân sách 4.083 tỷ đồng, đạt 74% so dự toán và tăng 48% so cùng kỳ; tổng chi ngân sách thực hiện 5.215,85 tỷ đồng, đạt 50,6% so kế hoạch, trong đó: Chi đầu tư phát triển 1.375,25 tỷ đồng, đạt 42% dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đáng quan tâm đó là: Tốc độ tăng trưởng (GRDP) tuy tăng khá so với cùng kỳ nhưng chưa đạt kế hoạch (đạt 48,01% kế hoạch); ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, lúa và gây thiệt hại đáng kể (9.000 ha chủ yếu ở vùng U Minh Thượng), tình trạng xâm nhập mặn sâu, thiếu nước ngọt sinh hoạt xảy ra tại một số địa phương..., đã tác động và ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân do thị trường xuất khẩu gạo và thủy sản có sự cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực, công tác dự báo, thông tin thị trường, năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp còn hạn chế.
Tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực thế mạnh địa phương thấp; các quy định về thủ tục vay vốn còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn trong việc giải ngân vay tín dụng theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách phát triển thủy sản và tiến độ thực hiện còn chậm; nợ xấu có chiều hướng gia tăng (từ 2,25% đầu năm lên 2,50%); xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ còn chậm.
Việc thu hút đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn; đầu tư cho du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ du lịch còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách; công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa được đầu tư tương xứng.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản: Tình trạng yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu tuy đã được khắc phục nhưng vẫn còn một số công trình, dự án phát sinh khối lượng, làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, gây nợ đọng; công tác giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn gặp khó khăn; hạn mức chỉ định thầu được áp dụng đối với gói thầu có giá trị dưới 1 tỉ đồng cũng gây khó khăn cho các dự án nhỏ lẻ nhất là các dự án giao thông nông thôn. Việc cụ thể hóa và vận dụng vào thực tiễn, chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với một số cơ chế chính sách mới trong công tác đấu thầu, phê duyệt thiết kế dự toán; hợp đồng trọn gói, ... còn lúng túng, dẫn đến một số công trình, dự án chậm tiến độ, nhất là các công trình giao thông nông thôn.
Lĩnh vực văn hóa xã hội: Vẫn chưa khắc phục được tình hình thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non (thiếu 400 giáo viên); tiến độ hoàn thành Phổ cập GDMN 5 tuổi của tỉnh còn chậm, chất lượng giáo dục tuy có nâng lên nhưng chưa đồng đều giữa các vùng. Tình hình dịch bệnh tuy giảm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát; việc triển khai xây dựng nhà tình nghĩa còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí; vi phạm pháp luật về vệ sinh mội trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vẫn còn xảy ra; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao còn nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động chưa cao, công tác trùng tu tôn tạo các di tích tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế còn gặp khó khăn; đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tuy có nâng lên nhưng còn chậm, thoát nghèo chưa bền vững; tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm nhưng mức độ nghiệm trọng và tính phức tạp lại gia tăng.
Tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bồi thường giải tỏa xảy ở một số địa phương, từng lúc còn diễn biến phức tạp, một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Công tác đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm và tệ nạn xã hội hiệu quả chưa cao; tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển còn phức tạp; tai nạn giao thông tuy giảm nhưng số người chết tăng so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính vẫn còn một số mặt hạn chế, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại ở cấp huyện tiến độ còn chậm; chỉ số năng lực tranh tranh cấp tỉnh (PCI) sụt giảm so với năm 2013.
Do đó, để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 10% năm 2015, từ nay đến cuối năm 2015 cần tập trung quyết liệt, khắc phục khó khăn và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình 31/Ctr-UBND của UBND tỉnh chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Tập trung chỉ đạo rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là có biện pháp thúc đẩy sản xuất lĩnh vực phát triển chậm, đạt còn thấp như: Thuỷ sản, công nghiệp, vốn đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có điều kiện, tiềm năng như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
- Tập trung thực hiện hoàn thành đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, phối hợp thực hiện tốt việc ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất đảm bảo theo lịch thời vụ, đạt diện tích, năng suất và sản lượng; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên lúa, gia súc, gia cầm. Phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực nông lâm thủy sản đạt 3,44%; sản lượng lúa trên 2.205.987 tấn, để cả năm đạt trên 4.713.710 tấn.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết, hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân và hợp tác xã.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Phấn đấu sản lượng khai thác thuỷ sản 232.099 tấn để cả năm đạt 471.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 116.832 tấn, cả năm đạt 192.525 trong đó: Tôm nuôi 36.305 tấn, để cả năm đạt 56.000 tấn.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng thực hiện các tiêu chí đạt còn thấp, phấn đấu có thêm 9 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 18 xã.
- Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “Người ViệtNamưu tiên dùng hàng ViệtNam”. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả. Phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xúc tiến triển khai đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Kiên Giang sử dụng khí Lô B tại khu Công nghiệp Xẻo Rô.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thương hiệu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển thị trường trong và ngoài nước; có giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, thông tin thị trường và năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phấn đấu giá trị tăng thêm công nghiệp – xây dựng tăng 10%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.285 tỷ đồng, để cả năm 35.930 tỷ đồng; giá trị khu vực dịch vụ tăng 17%; kim ngạch xuất khẩu đạt 321,81 triệu USD, để cả năm đạt 505 triệu USD.
- Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, đi đôi với tích cực kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án như: Nhà máy chế biến gỗ MDF, Nhà máy giày TBS Kiên Giang, Nhà máy cấp nước, Nhà máy thuốc lá trong khu công nghiệp Thạnh Lộc và đưa vào sản xuất.
- Tăng cường quản lý thu chi ngân sách nhà nước, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2015, triệt để tiết kiệm chi ngân sách; thực hiện kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt 2.373 tỷ đồng, để cả năm tổng thu ngân sách 6.456 tỷ đồng, đạt 117,2 so với dự toán. Chi ngân sách 6.403 tỷ đồng, để cả năm tổng chi ngân sách 11.619 tỷ đồng, tăng 12,7% so với dự toán.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; thực hiện tốt các giải pháp xử lý nợ xấu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay đối với các chính sách tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, chính sách và pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh…, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng lực cải cách hành chính của tỉnh.
- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung đầu tư các công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội như: Hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61 (đoạn Bến Nhất - Cầu Cái Tư); khởi công xây mới Quốc lộ 80 (đoạn Rạch Sỏi – Lộ Tẻ); tranh thủ nguồn vốn xây dựng Quốc lộ 80 (đoạn Rạch Giá – Hà Tiên). Tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm do tỉnh quản lý như: Các đường trên đảo Phú Quốc, Tỉnh lộ 964, Khoa nội B, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1020 giường, Cống sông Kiên,…; hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công công trình Bệnh viện Sản Nhi, đường đê biển qua thành phố Rạch Giá. Ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm công nghiệp; đầu tư chế biến nông sản và thủy sản xuất khẩu; công trình phục vụ chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các dự án phát triển dịch vụ, du lịch ở Phú Quốc.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư; tăng cường phối hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các công trình giao thông, bệnh viện, các dự án đầu tư, nhất là ở Phú Quốc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại yếu kém trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh quyết toán; gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khâu thanh quyết toán để kịp thời giải ngân vốn; kiên quyết không để phát sinh hạng mục mới gây nợ đọng xây dựng cơ bản; xem xét điều chuyển vốn dự án không đảm bảo thủ tục và không có khả năng giải ngân 100% kế hoạch đã bố trí. Phấn đấu huy động vốn đầu tư phát triển 17.754 tỷ đồng, để cả năm đạt 36.685,66 tỷ đồng; thực hiện giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 95% kế hoạch được giao; hoàn thành đường về trung tâm 02 xã (Lình Huỳnh và Thạnh Đông B)./.