Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Hà Giang cần tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp tục cải cách hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương.
|
Toàn cảnh thành phố Hà Giang - Ảnh: Báo Hà Giang |
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang cần khai thác và phát huy lợi thế về địa lý, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, du lịch, thủy điện, kinh tế biên mậu, xuất, nhập khẩu, vùng nguyên liệu gỗ, cây dược liệu... để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, khai khoáng, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ thương mại biên giới nhanh và bền vững, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, quản lý, khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, không xuất khẩu nguyên liệu thô, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và kết cấu hạ tầng giao thông.
Đồng thời tỉnh Hà Giang cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực có hiệu quả phù hợp với tình hình của địa phương. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển rừng; tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý tài nguyên nước, điều tra đánh giá thủy điện trên địa bàn kiên quyết loại bỏ thủy điện kém hiệu quả. Có kế hoạch phòng, chống giảm nhẹ thiên tai hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó Hà Giang cũng cần tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới hiệu quả, thiết thực. Lồng ghép, thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Không để xảy ra thiếu đói, dịch bệnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Tỉnh cần có biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; ổn định dân cư, nhất là dân di cư tự do, tái định cư các dự án thủy điện trong vùng, dân cư biên giới, vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Giang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung cho phát triển giáo dục, dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số. Quan tâm triển khai tốt công tác y tế, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến hết năm 2014, kinh tế của Hà Giang tiếp tục tăng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,32%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,43%; công nghiệp và xây dựng chiếm 26,17% ; dịch vụ chiếm 36,4%, tăng 0,13%; GDP bình quân đầu người đạt 16,2 triệu đồng/người/năm (tăng 11,3% tương đương 1,65 triệu đồng/người/tháng).
Chương trình xây dựng nông thôn mới được địa phương chủ động tích cực thực hiện; các xã trong kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011-2015 (41 xã), mỗi xã tăng bình quân 1-2 tiêu chí; công nhận 3 xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 104,5 triệu USD, đạt 26,1% kế hoạch, giảm 11,7% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đạt trên 373.000 lượt, tăng 17,8%, doanh thu du lịch tăng 41%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.988 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch giao. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 2.540 tỷ đồng, tăng 4,8%. Giải quyết việc làm cho 9.974 lao động, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và lạc hậu; quy mô nền kinh tế nhỏ bé. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, chưa thật sự rõ nét; GDP bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của cả nước; chất lượng nguồn lao động còn thấp; thiên tai thường xuyên xảy ra, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động còn thấp...
Phan Hiển
Cổng thông tin điện tử Chính phủ