(MPI Portal) – Để thúc đẩy đổi mới, cải tiến và ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ đem lại lợi ích cho cộng đồng, ngày 06/8/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kêu gọi đề xuất lần hai Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (VIIP) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
Tham dự chương trình có lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện Ban Quản lý Dự án, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Hội đồng kỹ thuật Dự án và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank.
|
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Thư ký Ban chỉ đạo Dự án phát biểu khai mạc Chương trình. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (VIIP) sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng vốn đầu tư 55.625.000 USD thực hiện trong thời gian 5 năm (2013-2018), nhằm tăng cường năng lực cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai chương trình đổi mới tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nghiên cứu phát triển, nâng cấp, mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm hướng tới lợi ích của nhóm người nghèo, người thu nhập thấp. Đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đổi mới và nâng cấp công nghệ, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Các lĩnh vực ưu tiên của Dự án là phát triển dược liệu và y học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp và thủy sản.
Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp và chính sách đổi mới công nghệ, khuyến khích các viện nghiên cứu và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển, nâng cấp các kết quả nghiên cứu và công nghệ đã sẵn sàng phát triển thành sản phẩm có chất lượng tốt hơn với giá thành hợp lý hơn phục vụ người thu nhập thấp. Thêm vào đó là khuyến khích doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đầu tư vào đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm thông qua cơ chế kết hợp vừa cấp phát vừa cho vay.
Hợp phần I của Dự án bao gồm 3 nội dung: Đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các thách thức phát triển quốc gia; Tiếp nhận và nâng cấp các công nghệ hiện có phù hợp với Việt Nam; Sáng kiến đổi mới công nghệ cá nhân, nhóm cá nhân với mục tiêu phát triển công nghệ mới nhằm góp phần giải quyết các thách thức phát triển quốc gia được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và phù hợp với mục tiêu của Dự án. Hợp phần II bao gồm nâng cấp, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu ứng dụng, thương mại hóa công nghệ đã được phát triển, hoàn thiện từ ba nội dung của Hợp phần I lên quy mô sản xuất tại doanh nghiệp; mở rộng quy mô thương mại hóa công nghệ phục vụ sản xuất hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện các ngân hàng thương mại phổ biến hướng dẫn lập Hồ sơ vay vốn, giới thiệu tiêu chí đánh giá tín dụng của mỗi ngân hàng;đồng thời trao đổi với đại diện Hội đồng kỹ thuật Dự án về kinh nghiệm xây dựng hồ sơ tiểu dự án. Qua đó thể hiện mong muốn và nỗ lực thực hiện thành công Dự án nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo./.
Các lĩnh vực ưu tiên của Dự án:
- Lĩnh vực “Dược liệu và Y học cổ truyền”: Hỗ trợ các công nghệ có tác dụng nâng cao chất lượng sản phẩm trong quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, lưu thông và sử dụng thảo dược nguyên liệu và sản phẩm thuốc cổ truyền theo tiêu chuẩn;
- Lĩnh vực “Công nghệ thông tin và truyền thông”: Nhằm tăng cường sự sẵn có, tính liên tục và năng lực tiếp cận thông tin và sản xuất nội dung thông tin nhằm phục vụ lợi ích và nhu cầu của nhóm dân cư thu nhập thấp. Thiết kế sản xuất những sản phẩm, thiết bị, đồ dùng công nghệ truyền tin thích ứng, phổ cập và gần gũi đem lại ích lợi cho nhóm dân cư thu nhập thấp;
- Lĩnh vực “Nông nghiệp và Thủy sản”: Nhằm làm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năn lượng, sản xuất năng lượng sạch và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các loại nông sản và thủy sản.
|
Nguyễn Hương-Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư