Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/07/2015-10:05:00 AM
Cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương
(MPI Portal) - Nhằm giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016, sáng ngày 30/7/2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án GIG của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo tập huấn “Thực thi Nghị quyết số 19: Cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương”.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM và bà Laura McKechnie, Phó Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, USAID đồng chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP yêu cầu các bộ, địa phương rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng thực hiện các quy định và thủ tục theo thông lệ quốc tế; ban hành Kế hoạch hành động bám sát các yêu cầu của Nghị quyết. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành công khai hóa quy trình và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phối hợp liên thông nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trên 8 lĩnh vực gồm: (i) đăng ký thành lập doanh nghiệp; (ii) cấp phép xây dựng; (iii) tiếp cận điện năng; (iv) nộp thuế và bảo hiểm xã hội; (v) giao dịch thương mại qua biên giới; (vi) đăng ký tài sản; (vii) giải quyết tranh chấp hợp đồng; (viii) giải quyết phá sản doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP cần thực hiện ba đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, kể cả một số dịch vụ quản lý nhà nước; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng là cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp... Nếu thực hiện tốt được các mục tiêu trên, Nghị quyết này sẽ là một bước tiến rất lớn, quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh;...

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM phát trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM giới thiệu các chỉ số môi trường kinh doanh và mục tiêu của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP. Theo chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) có 11 lĩnh vực, chỉ số gồm: Khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giao dịch thương mại qua biên giới, tiếp cận tín dụng...,

So sánh với các nước trong khu vực ASEAN 6 (gồm Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam), trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, số ngày để có thể bắt đầu khởi sự kinh doanh ở Việt Nam là 34, số ngày để thành lập doanh nghiệp là 14; trong khi con số này ở Thái Lan lần lượt là 28 và 6, Ma-lai-xi-a là 6 và 6, Singapore là 3 và 1. Thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam mất 872 giờ, các nước ASEAN 6 là 171 giờ, Xin-ga-po 82 giờ, Ma-lai-xi-a 133 giờ. Thời gian thông quan hàng hóa tại Việt Nam, xuất khẩu và nhập khẩu đều mất 21 ngày, Thái Lan mất 13 và 14 ngày, Xin-ga-po mất 6 và 4 ngày...

Tại Hội thảo, đại diện của các bộ, ngành liên quan đã trình bày chuyên đề về Chỉ số: Giao dịch thương mại qua biên giới; Tiếp cận điện năng; Cấp phép xây dựng; Đăng ký quyền sở hữu tài sản; Nộp thuế; Nộp bảo hiểm xã hội; Giải quyết tranh chấp hợp đồng; Giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Theo tinh thần của Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu, thực hiện biện pháp cụ thể, phù hợp với yêu cầu phát triển, lợi thế và hoàn cảnh cụ thể trên địa bàn để hiện thực hóa các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ở địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, giảm thiểu thời gian, số lượng thủ tục hành chính và chi phí khi triển khai dự án đối với doanh nghiệp./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2418
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)