Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2015-19:29:00 PM
Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035
(MPI Portal) – Ngày 28/8/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035 với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a. Hội thảo do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì, với sự tham dự của các Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Văn Trung, Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đại diện các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Hội thảo gồm 4 nội dung: Thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam và nguy cơ tụt hậu, Tư duy phát triển mới và đổi mới mô hình tăng trưởng, Đổi mới cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công, Cải cách thể chế kinh tế để phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, từ 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế và sự khác biệt quá lớn so với thể chế kinh tế của các nền kinh tế như Châu Âu, Hoa Kỳ và ngay cả các nước trong khu vực, đang trở thành rào cản cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, là nguyên nhân làm méo mó sự phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên và yếu tố con người, làm cho thị trường không phát huy đầy đủ các tính năng vốn có của nền kinh tế. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam đẩy mạnh cải cách, đổi mới vai trò của Nhà nước và thị trường, nâng cấp thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực để phát triển theo hướng kinh tế thị trường mới và phổ biến, qua đó phân bổ lại nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả hơn. Hội thảo mong muốn sẽ đóng góp một phần nội dung vào văn kiện Đại hội Đảng XII và báo cáo kinh tế - xã hội 2016-2020, góp phần định hướng giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và nguy cơ tụt hậu

Theo chuyên đề báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong gần 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu: Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 1990-2014 đạt 6,9%/năm, nhưng đang tăng chậm lại; Quy mô kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng, GDP năm 2014 đạt 186,2 tỷ USD, gấp 29 lần năm 1990) nhưng vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực (In-đô-nê-xi-a đạt 888.5 tỷ USD năm 2014). Từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn so với một số nước trong khu vực. Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP luôn thấp hơn tỷ lệ đầu tư so với GDP và đang có xu hướng giảm dần; tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây; thị trường tài chính phát triển tương đối thấp và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực.

Về chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đối với nền kinh tế, chi phí đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng dần qua các năm; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, hiệu quả sử dụng năng lượng tương đối thấp so với các nước trong khu vực; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp cho tăng trưởng của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực; huy động được nguồn vốn lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiệu quả đầu tư còn thấp. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã cải thiện đáng kể, theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương 3.530 USD), khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước ASEAN được thu hẹp dần, nhưng khoảng cách tuyệt đối lại gia tăng. Trong các thành phần kinh tế, khu vực FDI có năng suất lao động cao nhất, gấp 1,7 lần khu vực Nhà nước và gấp 9,2 lần khu vực ngoài Nhà nước.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh năm 2015 cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp hạng 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh, đứng sau Xin-ga-po (vị trí số 1), Ma-lai-xi-a, Thái Lan. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng thứ 121/187 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 6 bậc so với 2012, song vẫn xếp sau Xin-ga-po, Brunei, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Phi-líp-pin.

Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, tăng cường vai trò cơ chế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính; Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế; Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng gắn kết hơn với đổi mới kinh tế - xã hội trong nước, khai thác có hiệu quả các Hiệp định, cam kết thương mại; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, tăng cường gắn kết giữa khoa học công nghệ và sản xuất, gắn kết các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; Thực hiện hiệu quả các giải pháp xác định trong Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Cải cách và đổi mới giáo dục toàn diện nhằm tăng cường tính gắn kết của hệ thống giáo dục với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, xã hội hóa hoạt động đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tập trung huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân cho xóa đói giảm nghèo; Sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia Việt Nam, xây dựng và thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Cải cách thể chế kinh tế để phát triển

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi nhưng chậm, tăng trưởng thấp hơn nhiều so với trước; tiềm năng tăng trưởng phục hồi chậm đến năm 2014 và có dấu hiệu suy giảm từ 2015; tốc độ tăng thu ngân sách đang có xu hướng giảm và thấp hơn tốc độ tăng chi; tốc độ tăng chi đầu tư từ ngân sách biến động thất thường và cơ bản thấp hơn chi thường xuyên; cơ cấu chi ngân sách không hợp lý, không phù hợp với phát triển trung và dài hạn; nợ công tăng nhanh, hiện đã cao hơn các nước trong khu vực; thu tăng thấp hơn tăng chi, bội chi ngân sách đang có xu hướng gia tăng, nợ công tăng nhanh; sai lệch về phân bổ và sử dụng vốn; tăng trưởng kinh tế trong các giai đoạn khác nhau có chênh lệch đáng kể và rất đáng lo ngại trong những năm gần đây.

Nghiên cứu chỉ ra vấn đề: Đổi mới cơ bản thể chế để phát triển hay duy trì cơ bản như hiện nay để tụt hậu ngày càng xa hơn? Bản chất của đổi mới lần này không phải là chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường như 30 năm trước, mà là nâng cấp, nâng chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Về phía thị trường, phát triển toàn diện các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường đất đai và tài nguyên và đảm bảo các yếu tố cơ bản về thể chế để các loại thị trường này vận hành tốt, hiệu quả và trở thành nhân tố quyết định huy động và phân bổ các yếu tố sản xuất. Về phía Nhà nước, không chỉ thu hẹp lại quy mô và phạm vi mà còn phải đổi mới toàn diện khu vực nhà nước, nhất là quản trị quốc gia, bao gồm: Đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, Nhà nước bổ sung cho thị trường, kết hợp với thị trường để hướng tới hình thành thị trường hoàn hảo; Đổi mới cơ cấu tổ chức Nhà nước, nhất là tổ chức Chính phủ, cơ cấu tổ chức của các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ.

Đổi mới cần thiết về chủ trương, quan điểm về Nhà nước và vai trò của Nhà nước bao gồm: Không tiếp tục coi kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo, thay vào đó, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước; Thay đổi quan niệm về chức năng của luật pháp: luật ban hành không phải để làm công cụ cai trị của giai cấp hay nhóm cầm quyền đối với xã hội mà bảo vệ quyền và lợi ích cơ bản, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức, duy trì trật tự xã hội để phát triển, khuyến khích tác động đến lợi ích của từng cá nhân, tổ chức, qua đó tạo thành tín hiệu của thị trường, tạo lòng tin của xã hội vào bộ máy quản trị nhà nước. Thay đổi cơ cấu tổ chức của Nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng theo hướng cân bằng quyền lực, không có xung đột lợi ích trong nội bộ từng công chức, cơ quan, đơn vị và toàn bộ hệ thống, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kết luận Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên đề Đổi mới tư duy phát triển và đổi mới mô hình kinh tếĐổi mới cơ chế tài chính đối với dịch vụ sự nghiệp công. Qua đó, các chuyên gia kinh tế đưa ra những đánh giá, nhận xét, trình bày quan điểm, đồng thời đề xuất giải pháp cho những nội dung của Báo cáo như: Cơ cấu lại ngân sách, đặc biệt là nâng cao hiệu quả các khoản chi ngân sách, dành tỷ lệ cao hơn, số vốn nhiều hơn cho đầu tư; Thu hẹp, tinh giản biên chế nhà nước, cắt bỏ các chức năng, nhiệm vụ không cần thiết, không còn phù hợp để giảm gánh nặng chi ngân sách, tuyệt đối không bố trí vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án, công trình chưa cần thiết hoặc có thể huy động được các nguồn vốn khác; Tập trung vào khắc phục khiếm khuyết thị trường…

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đổi mới thể chế kinh tế hay đổi mới những nhân tố tác động đến nó làm sao cho đất nước phát triển hơn là một công việc thường xuyên song cần có thời điểm đột phá. Việt Nam đã qua gần 30 năm đổi mới thành tựu kinh tế có nhiều, nhưng so với bạn bè tương đồng thì Việt Nam đang chậm, khoảng cách còn xa, động lực chuyển đổi đã tới hạn, rất cần tạo ra sức cạnh tranh để nền kinh tế phát triển tốt hơn. Việt Nam đã tích cực hội nhập, song còn thiếu giải pháp để tận dụng các cơ hội của hội nhập, do vậy rất cần đổi mới thể chế. Các ý kiến tiếp thu tại Hội thảo sẽ được ghi nhận và chọn lọc, qua đó sẽ đề xuất triển khai thực hiện sớm, góp phần vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, cũng như cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5382
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)