I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Đối với cây hàng năm, trong tháng tập trung xuống giống vụ mùa năm 2015, tuy nhiên do mùa mưa đến trễ hơn mọi năm và lượng mưa ít, không đều nên tình hình gieo trồng gặp rất nhiều khó khăn.
Tính đến ngày 15/7/2015 toàn tỉnh ước thực hiện được 29.570ha, giảm 5,24% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Nhóm cây lúa 7.459 ha, giảm 5,43% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng: Bắp 2.722 ha, giảm 7%; khoai lang 255 ha, giảm 13,85%; khoai mỳ 14.788 ha, giảm 4,31%; cây mía 201 ha, giảm 16,25%; đậu nành 34 ha, giảm 3ha; đậu phộng 333 ha, giảm 15ha; rau các loại 2.065 ha, giảm 9,39%; đậu các loại 693 ha, giảm 3,35%; hoa, cây cảnh 126 ha, tăng 0,8%; Nhóm cây gia vị, dược liệu hàng năm 70 ha, giảm 6ha; Nhóm cây hàng năm khác 20 ha, tăng 2ha so với cùng kỳ năm trước.
Đối với cây ăn quả, hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch một số cây ăn quả chính như: nhãn, chôm chôm, sầu riêng, cam, bưởi, quýt...
Đối với cây công nghiệp lâu năm, trong tháng cây điều và hồ tiêu đã thu hoạch xong đang trong thời kỳ chăm sóc, cây cà phê đang giai đoạn trái non. Cây cao su đang mùa thu hoạch. Ước tính năng suất không có biến động lớn so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sâu bệnh:
- Đối với cây lúa: chủ yếu nhiễm rầy nâu, đạo ôn, ngoài ra còn bị phá hoại bởi sâu cuốn lá, bọ trĩ, ốc bươu vàng...
- Đối với rau các loại: chủ yếu bị sâu xanh, bọ nhảy, ruồi đục trái, thán thư… gây hại nhẹ.
- Đối với cây hồ tiêu: các loại sâu, bệnh hại chủ yếu là tuyến trùng, rệp sáp, vàng lá…
- Đối với cây cà phê: chủ yếu là bệnh khô cành, khô quả, rệp sáp, rệp vẩy, gỉ sắt, nấm hồng…
- Đối với cây điều: Trong tháng phổ biến là sâu đục thân, bọ xít muỗi, bọ đục chồi, bệnh thán thư…
- Cây cao su bị hại chủ yếu bởi nấm hồng, vàng rụng lá, loét sọc mặt cạo…
- Cây ăn trái: sâu, bệnh hại chính là ruồi đục trái, xì mủ thân, thán thư…
Công tác khuyến nông, khuyến ngư: Ngành Nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân về cách chăm sóc, vệ sinh vườn cây, phun thuốc cho cây điều, cây hồ tiêu, cây cao su... bằng nhiều hình thức như báo, đài phát thanh, đài truyền hình, tập huấn thực địa…
b. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trong tháng 7/2015 nhìn chung khá ổn định, không có dịch bệnh xảy ra; công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật được tăng cường và thực hiện theo kế hoạch.
Số lượng gia súc, gia cầm ước đến tháng 7/2015 có 13.131 con trâu (giảm 6,41% so với cùng kỳ năm trước); 26.359 con bò (giảm 11,23%); 280.670 con lợn (tăng 0,16%) và 3.624 ngàn con gia cầm (tăng 5,32%).
Nguyên nhân đàn trâu, bò giảm so với cùng kỳ là do đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp nguồn thức ăn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sức kéo giảm nên người dân ít chăn nuôi. Đối với đàn heo và gia cầm có xu hướng tăng do có thêm một số trang trại, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Công tác thú y: Nhìn chung công tác thú y được quan tâm nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không xảy ra nguy hiểm.
1.2. Lâm nghiệp
Trong tháng 7/2015, ngành Lâm nghiệp dự kiến sẽ tiến hành giao cây giống cho các đơn vị và các hộ gia đình nhận khoán để trồng rừng theo đúng kế hoạch.
Trong tháng, ngành Lâm nghiệp cũng đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với quy định của nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý rừng và quản lý lâm sản… thu nộp ngân sách nhà nước 248.571.000 đồng.
1.3. Thủy sản
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, trong tháng 7/2015 không xảy ra dịch bệnh.
Ngành Thuỷ sản tiếp tục triển khai thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 – 2020; quản lý và chăm sóc nguồn thuỷ sản bố mẹ của các loài như: cá lăng nha, cá chép, cá rô phi, cá trắm cỏ, cá mè hoa, cá trê, baba, ếch…
2. Sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2015 ước đạt 101,29% so với tháng trước và 114,35% so với cùng kỳ năm trước, tức là tăng 1,29% so với tháng trước và tăng 14,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước; tương ứng: Ngành công nghiệp chế biến tăng 0,9% và tăng 15,23%; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,88% và tăng 5,57%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,63% và tăng 8,33%.
Một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong tháng 7/2015: Đá xây dựng ước đạt 55.543,8m3, so với tháng trước tăng 2,9%, và tăng 6,94% so cùng kỳ năm trước. Tương ứng: hạt điều nhân 5.533 tấn, tăng 21,36%, tăng 29,8%; Tinh bột sắn, bột dong riềng 6.114,3 tấn, tăng 11,19%, tăng 50,6%; Ván ép to gỗ và các vật liệu tương tự 11.669,2m3, so với tháng trước không tăng, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,42%; Clinke 155.160 tấn, tăng 2,79%, tăng 9,03%; Mạch điện tử tích hợp 7.643 ngàn chiếc, tăng 1,33%, tăng 319,48%; Thiết bị tín hiệu âm thanh 10.132,4 ngàn chiếc, bằng tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 49,99%; Điện sản xuất 149,5 triệu Kwh, tăng 8,02% so với tháng trước, giảm 11,73% so với cùng kỳ năm trước...
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2015 tiếp tục tăng ở hầu hết các nhóm ngành do các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động ổn định và đẩy mạnh sản xuất.
Luỹ kế 7 tháng năm 2015 so cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP tăng chủ yếu ở một số sản phẩm như: Hạt điều nhân (+8,91%); Tinh bột sắn, bột dong riềng (+4,42%); clinke (+10,25%); Mạch điện tử tích hợp (+35,58%); Thiết bị tín hiệu âm thanh (+24,95%)… đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm tăng chỉ số IIP toàn tỉnh.
3. Bán lẻ hàng hóa, hoạt động của các ngành dịch vụ
3.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2015 ước thực hiện 2.359,5 tỷ đồng, tăng 0,82% so với tháng trước và tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phân theo loại hình kinh tế: Kinh tế nhà nước ước 82,5 tỷ đồng, giảm 1,79% so với tháng trước và giảm 16,67% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: Kinh tế cá thể ước 1.558,2 tỷ đồng, tăng 1,15% và tăng 19,67%; Kinh tế tư nhân 715,4 tỷ đồng, tăng 0,42% và giảm 18,43%; Kinh tế tập thể ước 3,4 tỷ đồng, tăng 3,03% và giảm 2,63%. Phân theo ngành hoạt động: ngành Thương nghiệp ước đạt 1.809,1 tỷ đồng, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 6,22% so với cùng kỳ năm trước; Tương ứng: ngành Lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 330,9 tỷ đồng, tăng 1,97%, giảm 9,42%; ngành Dịch vụ ước đạt 219,5 tỷ đồng, tăng 1,62% và tăng 2,91%.
Nhìn chung tổng mức bán lẻ hàng hóa của các thành phần kinh tế và ngành kinh tế trong tháng 7/2015 có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm trước; nguyên nhân chủ yếu do giá của các nhóm hàng hoá và dịch vụ khác ổn định, các doanh nghiệp bán lẻ duy trì nhiều hình thức khuyến mãi nên sức mua phần nào được cải thiện. Bên cạnh đó, do thị hiếu và đời sống người dân ngày càng cao nên việc cạnh tranh sản phẩm về chất lượng và mẫu mã cũng được các nhà kinh doanh chú trọng.
Tính chung 7 tháng năm 2015, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 16.900,5 tỷ đồng, tăng 15,22% so với 7 tháng năm 2014, trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước đạt 685,9 tỷ đồng, chiếm 4,06% tổng số, tăng 10,75%; kinh tế cá thể đạt 11.056 tỷ đồng, chiếm 65,42%, tăng 20,49%; kinh tế tư nhân đạt 5.134,6 tỷ đồng, chiếm 30,38%, tăng 5,92%; kinh tế tập thể đạt 24 tỷ đồng, chiếm 0,14%, bằng 94,01% so với cùng kỳ năm trước.
3.2. Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông
a. Vận tải hành khách
Vận tải hành khách trong tháng 7/2015 ước thực hiện 813,2 ngàn HK và 102.233,3 ngàn HK.km, so với tháng trước tăng 1,46% về vận chuyển và tăng 1,49% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 7,9% về vận chuyển và tăng 7,55% về luân chuyển.
Nguyên nhân sản lượng vận tải hành khách tháng này ước tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ là do đời sống của người dân ngày càng cải thiện và từng bước được nâng lên, chất lượng vận tải ngày càng được cải thiện tốt hơn làm cho người dân thay đổi thói quen, sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhiều hơn.
Sản lượng vận tải hành khách 7 tháng đầu năm 2015 ước thực hiện được 5.571,9 ngàn HK và 701.736,9 ngàn HK.km, tăng 5,58% về vận chuyển và tăng 5,14% về luân chuyển so với 7 tháng đầu năm 2014.
Doanh thu vận tải hành khách tháng 7/2015 ước thực hiện 63,8 tỷ đồng, tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 7,94% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 7 tháng năm 2015 doanh thu vận tải hành khách ước thực hiện được 450,1 tỷ đồng, tăng 4,64% so với 7 tháng năm 2014.
b. Vận tải hàng hoá
Tháng 7/2015 sản lượng vận tải hàng hoá ước thực hiện được 172,5 ngàn tấn và 11.835,4 ngàn T.km, so với tháng trước tăng 0,94% về vận chuyển và tăng 1,39% về luân chuyển, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,41% về vận chuyển và tăng 8,83% về luân chuyển.
Nguyên nhân sản lượng vận tải hàng hoá tăng so với tháng trước là do đang giữa mùa mưa nên nhu cầu vận chuyển các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng. Sản lượng vận tải hàng hoá tăng so với cùng kỳ năm trước là do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt tăng.
Sản lượng vận tải hàng hoá 7 tháng năm 2015 ước thực hiện được 1.181,1 ngàn tấn và 80.520,6 ngàn T.km, tăng 6,31% về vận chuyển và tăng 5,12% về luân chuyển so với 7 tháng năm 2014.
Doanh thu vận tải hàng hoá tháng 7/2015 ước thực hiện 37,4 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 7 tháng năm 2015 doanh thu vận tải hàng hoá ước thực hiện được 254,2 tỷ đồng, tăng 3,09% so với 7 tháng năm 2014.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7/2015 ước đạt 916 triệu đồng, luỹ kế 7 tháng năm 2015 ước đạt 6.274 triệu đồng, giảm 4,46% so với 7 tháng năm 2014.
II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
1. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước, chủ yếu do tác động từ đợt điều chỉnh giá xăng tăng kể từ ngày 19/6/2015.
Giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng biến động, cụ thể như sau:
Có 06 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, VLXD tăng 0,34%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Nhóm giao thông tăng 0,14%; Nhóm giáo dục tăng 0,01%; Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,9%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,16%.
Nhóm hàng hoá và dịch vụ ăn uống giảm 0,02% (trong đó nhóm Thực phẩm giảm 0,13%)
Có 04 nhóm không có sự tăng giảm so với tháng trước là: Nhóm đồ uống và thuốc lá; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; Nhóm bưu chính - viễn thông.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2015 tăng 0,25% so với tháng 12/2014 và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2015 chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% so với cùng kỳ năm 2014.
Giá vàng và đôla Mỹ: Chỉ số giá vàng tháng 7/2015 giảm 1,11% so với tháng trước; giảm 0,38% so với tháng 12/2014; giảm 5,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 7/2015 tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 2,02% so với tháng 12/2014 và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2014.
2. Đầu tư, xây dựng
Giá trị thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2015 ước 128 tỷ đồng. (Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 78 tỷ đồng, chiếm 60,94%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 50 tỷ đồng, chiếm 39,06%).
Trong tháng chủ yếu thi công các công trình như: Hỗ trợ vườn quốc gia Bù Gia Mập (hỗ trợ xây dựng nhà kiểm lâm, trạm bảo vệ rừng, đường tuần tra), Đường liên xã từ ngã ba Cây Điệp đến sông Mã Đà (ĐT 753) phục vụ cứu hộ, cứu nạn các xã phía đông huyện Đồng Phú (đoạn từ ngã 3 Cây Điệp đến cầu Cứ), Đường tránh các điểm đen trên ĐT 741 tại khu vực nhà máy thủy điện Thác Mơ, Xây dựng cầu Đăk Lung 2, trường THPT ĐaKia và trường THPT Ngô Quyền (huyện Bù Gia Mập), 10 phòng học lầu trường THPT Chu Văn An (huyện Chơn Thành)…
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2015 là 1.887,3 tỷ đồng (Không tínhvốn ODA, hỗ trợ doanh nghiệp công ích), đến hết tháng 6/2015 giải ngân được 619 tỷ đồng đạt 32,8%, trong đó:
Vốn XDCB tập trung đã giao năm 2015 là 1.277,6 tỷ đồng (Không tính ODA, hỗ trợ Doanh nghiệp công ích). Đến cuối tháng 6 năm 2015 giải ngân vốn XDCB tập trung được 485 tỷ đồng đạt 38% kế hoạch năm; Vốn TW hỗ trợ có mục tiêu kế hoạch giao 406,3 tỷ đồng, giải ngân 104,8 tỷ đồng đạt 26%.
Trong đó vốn tỉnh quản lý kế hoạch giao 951 tỷ đồng, đến hết tháng 6/2015 giải ngân được 336 tỷ đồng đạt 35% kế hoạch năm; vốn phân cấp cho huyện quản lý kế hoạch giao 326,5 tỷ đồng, đến hết tháng 6 giải ngân được 148,3 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm.
Vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2015 kế hoạch giao 109,6 tỷ đồng, đến hết tháng 6/2015 giải ngân được 6,9 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch năm.
Vốn Chương trình mục tiêu năm 2015 kế hoạch giao 93,8 tỷ đồng, đến hết tháng 6/2015 giải ngân được 22,2 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm.
Nhìn chung tình hình thực hiện khối lượng và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2015 còn chậm, nguyên nhân là do trong các tháng đầu năm các đơn vị chủ đầu tư chủ yếu tập trung giải ngân cho các công trình chuyển tiếp; đối với các công trình khởi công mới chủ yếu là hoàn chỉnh các thủ tục về thẩm tra, thẩm định thiết kế và dự toán, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Về thu hút FDI: Trong tháng 7/2015 trên địa bàn tỉnh đã thu hút mới được 02 dự án đầu tư với tổng số vốn là 4,3 triệu USD. Cộng dồn 7 tháng thu hút được 08 dự án với tổng số vốn đăng ký là 18,32 triệu USD, trong đó số lượng chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với 05 dự án có tổng số vốn đăng ký là 6,85 triệu USD, ngoài ra đã thu hút thêm 01 nhà đầu tư mới đến từ Angola với tổng số vốn đăng ký là 3,7 triệu USD.
3. Tài chính, tín dụng
a. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 7/2015 ước thực hiện được 310 tỷ đồng. Trong đó: Thu từ khu vực kinh tế quốc doanh là 50 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 64 tỷ đồng; Thu tiền sử dụng đất là 39 tỷ đồng.
Cộng dồn 7 tháng năm 2015 ước thực hiện được 2.021 tỷ đồng, đạt 63,16% kế hoạch năm.
b. Chi ngân sách địa phương
Tháng 7/2015, tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 430 tỷ đồng. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 70 tỷ đồng; chi thường xuyên 340 tỷ đồng.
Cộng dồn 7 tháng năm 2015 ước thực hiện được 3.339 tỷ đồng, đạt 55,66% kế hoạch năm.
c. Hoạt động tín dụng
Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp và tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu; trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu; đồng thời triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng.
4. Hoạt động xuất, nhập khẩu
4.1. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2015 ước thực hiện 92.661 ngàn USD, tăng 6,93% so với tháng trước và tăng 40,05% so cùng kỳ năm trước. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu: khu vực kinh tế Nhà nước ước thực hiện 14.046 ngàn USD, chiếm 15,16%, tăng 15,95% so với tháng trước và tăng 51,88% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự: khu vực kinh tế tư nhân đạt 43.400 ngàn USD, chiếm 46,84%, tăng 5,8% và tăng 19,15%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 35.215 ngàn USD, chiếm 38%, tăng 5,06% và tăng 71,82%.
Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu tháng 7/2015 ước cụ thể như sau:
Hạt điều nhân ước thực hiện 4.345 tấn (33.492 ngàn USD), tăng 3,75% về lượng và tăng 6,14% về giá trị so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 97,32% và tăng 126,1%. Về giá cả hạt điều nhân tháng 7/2015 ước đạt 7.708 ngàn USD/tấn, tăng 981USD/tấn so với cùng kỳ.
Mủ cao su thành phẩm ước thực hiện 10.720 tấn (20.694 ngàn USD), tăng 6,16% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 14,14% và giảm 25,5%. Về giá cả mủ cao su xuất khẩu tháng 7/2015 ước đạt 1.930 ngàn USD/tấn, giảm 294USD/tấn so với cùng kỳ.
Sắn và các sản phẩm từ sắn ước thực hiện 3.489 ngàn USD.
Sản phẩm từ cao su (trừ săm, lốp các loại) ước đạt 1.700 ngàn USD.
Sản phẩm bằng gỗ ước thực hiện 3.520 ngàn USD.
Hàng dệt may ước thực hiện 1.722 ngàn USD.
Giày dép các loại ước thực hiện 16.635 ngàn USD, tăng gấp hơn 11 lần so cùng kỳ năm trước.
Nguyên phụ liệu dệt, may, da ước thực hiện được 900 ngàn USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước thực hiện 900 ngàn USD.
Hàng hóa khác ước thực hiện 9.009 ngàn USD.
Cộng đồn 7 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 535.791 ngàn USD, tăng 29,26% so với 7 tháng năm 2014.
4.2. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7/2015 ước thực hiện 23.726 ngàn USD, tăng 20,95% so với tháng 6/2015; so với cùng kỳ năm trước tăng 19,15%. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu: khu vực kinh tế Nhà nước tháng này ước không thực hiện; khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 7.276 ngàn USD, chiếm 30,67%, tăng 19,71% so với tháng trước và giảm 8,57% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 16.450 ngàn USD, chiếm 69,33%, tăng 24,82% so với tháng trước và tăng 48,02% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong tháng:
Hạt điều thô ước thực hiện 745 tấn (921 ngàn USD), so với tháng trước giảm 36,11% về lượng và giảm 35% về giá trị; so với cùng kỳ năm trước giảm 51,56% và giảm 35,73%.
Mủ cao su thành phẩm ước thực hiện 2.500 tấn (4.625 ngàn USD), so với tháng trước tăng 25% về lượng và tăng 32,14% về giá trị; so với cùng kỳ năm trước tăng 24,94% và tăng 0,61%.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ ước thực hiện được 2.622 ngàn USD.
Xơ, sợi dệt ước thực hiện 150 ngàn USD.
Vải may mặc ước thực hiện 723 ngàn USD.
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày ước đạt 1.500 ngàn USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước thực hiện 450 ngàn USD.
Máy móc thiết bị phụ tùng khác ước thực hiện 1.850 ngàn USD;
Hàng hóa khác ước thực hiện 10.885 ngàn USD.
Cộng dồn 7 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh đạt 153.470 ngàn USD, tăng 52,1% so với 7 tháng năm 2014.
Nhìn chung tình hình xuất, nhập khẩu trong tháng 7/2015 đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đặc biệt là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư ở các khu công nghiệp, nhất là sản phẩm giày dép của công ty Freewell VN.
III. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC
1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư
1.1. Giải quyết việc làm
Trong tháng 7/2015, toàn tỉnh đã tư vấn nghề, việc làm cho 758 lao động; giới thiệu việc làm cho 51 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 950 lao động, và hỗ trợ học nghề cho 3 lao động; đồng thời tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm với 14 doanh nghiệp (có nhu cầu tuyển dụng 1.174 lao động) và 524 lao động tham gia. Lũy kế đến tháng 7/2015, đã giới thiệu việc làm cho 228 lao động; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 2.949 lao động.
1.2. Về tình hình đời sống dân cư
Nhìn chung đời sống dân cư tháng 7/2015 vẫn ổn định, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; đời sống tinh thần, vật chất có chiều hướng cải thiện hơn so với năm trước do sản xuất tăng, giá cả ổn định, bên cạnh đó nhà nước thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất; người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng.
2. Công tác an sinh xã hội
2.1. Bảo trợ xã hội
Quản lý nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 47 đối tượng (13 người già, 12 trẻ mồ côi, 22 người tâm thần); đón tiếp 03 Đoàn khách đến thăm và tặng quà với tổng số tiền là 36.540.000 đồng.
Giải quyết tái hoà nhập cộng đồng 113 đối tượng, tổ chức tuyên truyền pháp luật cho 760 lượt học viên, khám và điều trị bệnh cho 596 lượt học viên và giải quyết cho 111 lượt thân nhân đến thăm học viên; hiện đang quản lý và chữa bệnh 95 đối tượng 06/CP.
2.2. Thực hiện chính sách với người có công
Giải quyết 78 hồ sơ mai táng phí; 2 hồ sơ chất độc hóa học; 5 hồ sơ hoạt động kháng chiến; mua 213 thẻ bảo hiểm y tế theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg và thân nhân liệt sỹ; trợ cấp ưu đãi học sinh, sinh viên cho 342 HSSV; tiếp nhận 4 hồ sơ liệt sỹ, thương binh ngoài tỉnh chuyển đến.
Tiếp 72 lượt công dân đến liên hệ giải quyết chế độ chính sách; tiếp nhận và giải quyết: 21 hồ sơ chế độ chính sách người có công, 3 hồ sơ đăng ký nội quy lao động; 1 hồ sơ đăng ký nâng bậc lương cho người lao động.
3. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng
3.1. Tình hình dịch bệnh:
Sốt rét: Tổng số mắc sốt rét 27 cas, bệnh nhân sốt rét ác tính 01. Tử vong: 00 ca. Không có dịch sốt rét xảy ra.
Sốt xuất huyết: Tổng số mắc trong tháng là 110 ca. Tử vong: 00.
Bệnh tay - chân - miệng: Tổng số tỉnh ghi nhận: 21 ca tay - chân - miệng, không có tử vong.
Tiêu chảy: Tổng số bệnh nhân tiêu chảy: 189 ca. Không phát hiện bệnh nhân tả mắc trong tháng.
An toàn vệ sinh thực phẩm: Tổng số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thức ăn 176 ca. Tử vong 00.
Cúm A(H1N1)/H5N1: Chưa phát hiện ca bệnh nào.
Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Tổng số bệnh nhân mắc bệnh sởi: 00, thuỷ đậu: 05.
Các chương trình, mục tiêu y tế: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống lao, phong, bướu cổ… vẫn duy trì hoạt động theo kế hoạch.
3.2. Hoạt động khám chữa bệnh: (số liệu ghi nhận từ các bệnh viện)
Tổng số Bn vào viện trong tháng là 10.051 người; Tổng số Bn ra viện là 9.330 người; Tổng số Bn chuyển tuyến 683 người; Tổng số Bn trốn viện 123 người; Tổng số Bn tử vong 10 người; Tổng số Bn còn lại 1.430 người; Tổng số Bn ngoại trú 2.295 người; Tổng số Bn tai nạn giao thông 629 người, số Bn tử vong do TNGT 01 người; Tổng số ca phẫu thuật 1.305 ca (Trong đó: Loại I: 404; loại II: 556; loại III: 347; mổ mắt: 49; Sọ não: 6)
4. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong tháng 7, toàn ngành VHTT & DL đã tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình chào mừng các ngày lễ lớn năm 2015; tuyên truyền Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX năm 2015 và tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII; phối hợp tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ; kỷ niệm 68 năm ngày Thương bình liệt sĩ (27/7); phối hợp tổ chức Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và tổ chức tuyên truyền giải thưởng báo chí viết về an toàn giao thông năm 2015.
Công tác tuyên truyền cổ động trực quan: tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Kết quả đã thực hiện được 305m2 banner, 1.636m2 panô, 1.320m băng rôn, treo 2.600 lượt cờ các loại và tuyên truyền 146 giờ bằng xe thông tin lưu động, 240 giờ trên hệ thống đèn điện tử, phát hành 12 đĩa CD hướng dẫn nghiệp vụ cơ sở.
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và xây dựng đề án “Sưu tầm, phục chế các loại vũ khí từng phục vụ trong quá trình kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn tỉnh”. Tiếp tục lập hồ sơ khoa học di tích Đình thần Tân Lập Phú và Đình thần Thanh An. Hỗ trợ huyện Hớn Quản tổ chức trưng bày ảnh chuyên đề “Đảng bộ huyện Hớn Quản 5 năm xây dựng và phát triển”. Các di tích đón tiếp khoảng 4.055 lượt khách tham quan.
Nghệ thuật biểu diễn và hoạt động quần chúng: Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh tổ chức được 05 buổi biểu diễn phục vụ khoảng 1.800 lượt người xem. Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức được 09 buổi biểu diễn thông tin lưu động, phục vụ khoảng 2.500 lượt người xem; các huyện, thị xã tổ chức được 22 buổi biểu diễn thông tin lưu động tại các địa phương. Tổ chức lớp tập huấn Biên đạo múa và kỹ năng biên tập, dẫn chương trình và lớp tập huấn nâng cao bộ môn Đờn ca tài tử năm 2015...
Hoạt động chiếu bóng: Triển khai 06 đội chiếu bóng lưu động đi chiếu phim phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, cán bộ và chiến sĩ bộ đội biên phòng và vùng biên giới được 68 buổi chiếu, thu hút khoảng 6.100 lượt người xem.
Hoạt động thư viện, bảo tàng: Duy trì trao đổi báo, tạp chí địa phương với thư viện các tỉnh miền Đông và Cực Nam Trung Bộ; trưng bày sách chuyên đề kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) và phòng, chống ma túy. Trong tháng phục vụ 5.576 lượt bạn đọc (trong đó có 1.453 lượt bạn đọc thư viện điện tử), luân chuyển 20.615 lượt sách báo. Phối hợp Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh trưng bày sách phục vụ Hội trại “Búp măng xinh”, thu hút khoảng 2.853 lượt bạn đọc.
Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình: Tham gia Ngày hội gia đình các tỉnh miền Đông Nam Bộ lần thứ VI/2015 tại tỉnh Bình Thuận đạt giải khuyến khích toàn đoàn; tham gia kiểm tra tình hình xây dựng và thực hiện hương ước của làng, thôn, bản, ấp, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh; tổ chức lớp tập huấn Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp và Ban vận động khu dân cư năm 2015.
Thể dục thể thao: Tổ chức thành công giải võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Phước năm 2015; chuẩn bị công tác tổ chức giải bóng đá U13, U15; triển khai kế hoạch tổ chức Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước năm 2015 và kế hoạch đăng cai tổ chức giải Vô địch Muay toàn quốc năm 2015. Trong tháng, các đội tuyển của tỉnh tham gia 08 giải thể thao cụm, khu vực và toàn quốc, kết quả đạt 14 HCV, 14 HCB, 28 HCĐ. Đội tuyển bóng đá tiếp tục tham dự giải bóng đá hạng Nhất quốc gia, mùa bóng 2015, kết thúc vòng 7 tạm đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng. Ngoài ra, đã hỗ trợ 20 lượt trọng tài làm nhiệm vụ tại các giải thể thao, hội thao của các ngành, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động du lịch: Tổ chức họp xác định khối lượng, giá trị tài sản của công trình xây dựng tượng Phật Chuẩn Đề tại đỉnh núi Bà Rá. Trong tháng, số lượt khách tham quanước đạt 16.319 lượt khách (giảm 8% so với tháng 6); doanh thu đạt 15,19 tỷ đồng (giảm 15% so với tháng 6/2015).
5. Tai nạn giao thông
Trong tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông làm 12 người chết, 15 người bị thương, làm thiệt hại 29 phương tiện giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện 5.698 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 1.292 phương tiện, tước 618 GPLX, cảnh cáo 56 trường hợp, xử lý hành chính 5.642 trường hợp. Số tiền nộp kho bạc nhà nước 5,014 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là chạy quá tốc độ (2.063 trường hợp), không có giấy phép lái xe (855 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (819 trường hợp) và không đi đúng làn đường quy định (206 trường hợp).
6. Thiệt hại thiên tai
Ngày 05/7/2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to kèm lốc xoáy tại thôn 2 (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) làm thiệt hại 9,2 ha cây hồ tiêu trị giá khoảng 1.058,5 triệu đồng. Chính quyền địa phương đã chủ động thống kê thiệt hại và có phương án hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại.
7. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Trong tháng 7/2015, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra.
Đánh giá chung:
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2015 nhìn chung ổn định và tiếp tục phát triển; sản xuất công nghiệp ổn định và phát triển; hoạt động thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hoá có xu hướng tăng; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu có bước tăng trưởng đáng kể; giao thông vận tải đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hoá và nhu cầu đi lại của nhân dân; các hoạt động văn hoá xã hội chủ yếu tập trung cho việc kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc để phục vụ nhân dân; công tác giải quyết việc làm và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, xã hội được các cấp, các ngành hết sức quan tâm; công tác khám chữa bệnh vẫn được duy trì tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn những khó khăn, hạn chế như tiến độ gieo trồng vụ Mùa giảm so với cùng kỳ; công tác triển khai thực hiện vốn đầu tư còn chậm; các công trình đường giao thông còn khó khăn; tình hình tai nạn giao thông còn cao; giá cao su giảm đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân ... ./.
File đính kèm: Binh_Phuoc_thang_7.pdf
Website Cục thống kê tỉnh Bình Phước