(MPI Portal) – Ngày 08/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo kết thúc Dự án Hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh.
|
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Jae Yun Chang, Trưởng Đại diện KOICA tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Minh Trang (MPI Portal)
|
Theo ông Taeho Ro, đại diện Phòng Đánh giá Tài nguyên và Năng lượng, Viện Môi trường Hàn Quốc (KEI), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam (VGGS) và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (GGAP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2012 và 2014 là khung pháp lý quan trọng, cần thiết để hợp tác và cân bằng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khung pháp lý thực tiễn và chi tiết cần được thiết lập hỗ trợ để đạt được thành công trong thực hiện tăng trưởng xanh và các mục tiêu ở Việt Nam đến năm 2020.
Khi bắt đầu nghiên cứu Khung pháp lý cho thực hiện VGGS, cấu trúc khung pháp lý về tăng trưởng xanh có 14 ngành với 277 văn bản. Sau khi phân tích về các văn bản pháp lý theo ngành của Việt Nam do nhóm nghiên cứu KEI thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý thu hẹp các ngành cần được phân tích chi tiết. Bốn ngành trọng tâm gồm: Công nghiệp, Năng lượng, Kế hoạch và Đầu tư, Môi trường và Văn bản pháp lý cần được phân tích đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia Việt Nam và KEI lựa chọn.
Về khung pháp lý thực hiện VGGS trong ngành công nghiệp, tất cả các hoạt động từ Quyết định 403/QĐ-TTg 20/3/2014 về phê duyệt Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 được phân loại thành 4 nhóm: Công nghiệp môi trường; Sản xuất sạch hơn; Quản lý chất thải; Sản xuất xanh và công nghiệp địa phương. Trong lĩnh vực này, Nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị xây dựng nghị định mới về phát triển công nghiệp môi trường ngắn hạn để dễ dàng thực hiện trong một khoảng thời gian 2015-2016. Về trung và dài hạn, xây dựng các luật mới về phát triển công nghiệp môi trường là cần thiết để hỗ trợ bao gồm trợ cấp cho Quỹ Thiết bị, hỗ trợ cho các dự án phát triển công nghiệp và xúc tiến hợp tác quốc tế. Xây dựng thông tư và nghị định trên cơ sở Luật số 55/2014/QH13 về bảo vệ môi trường. Trong quản lý chất thải, khuyến nghị xây dựng luật mới để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để tăng cường đối phó với chất thải tái chế và tái sử dụng các hệ thống bao gồm cả tài nguyên kinh tế cơ chế công nghiệp, tổng hợp quản lý lưu thông chất thải và hệ thống quản lý tái chế dễ tăng cường lưu thông tài nguyên.
Về khung pháp lý thực hiện VGGS trong năng lượng gồm: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trợ cấp và biểu giá năng lượng tái tạo, gán nhãn xanh, lưới điện thông minh.
Nhiệm vụ của khung pháp lý cho việc thực hiện VGGS trong lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư là đóng góp ngân sách nhà nước cho tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia bằng việc tiết kiệm, tiết kiệm tài nguyên, giải quyết hiệu quả tài chính và xúc tiến đầu tư với các nội dung chính như thông tư mới bao gồm các tiêu chí, tiêu chuẩn để thúc đẩy Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Luật đấu thầu số 43/2013/QH13; Hỗ trợ cho việc thực thi ngân sách quốc gia cho tăng trưởng xanh trong vấn đề đầu tư.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Về việc hỗ trợ thành lập Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương, ông Hoi Seong Jeong, Chủ tịch Viện Môi trường và Văn minh Hàn Quốc (E&C) đã đưa ra tầm nhìn, chiến lược các chương trình dự án thực hiện tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Nam và Bến Tre, trong đó mục tiêu xây dựng: “Bắc Ninh phát triển bền vững không ô nhiễm: sự hòa hợp của nền kinh tế xanh và tài nguyên văn hóa” tập trung xây dựng cơ bản tăng trưởng xanh và giảm thải khí nhà kính, xây dựng môi trường công nghiệp xanh an toàn và xanh hóa lối sống và mở rộng dịch vụ xanh thông qua tăng cường năng lực; “Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái và tăng trưởng toàn diện: Bồi dưỡng công nghiệp giá trị gia tăng cao và nhân lực xanh sử dụng lợi thế của thiên nhiên” sẽ hoạt tính hoá mạng lưới du lịch sử dụng tài nguyên văn hóa du lịch, xây dựng hệ thống tuần hoàn tài nguyên và hệ thống quản lý thiên tai đối phó với biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp xanh thông qua tài nguyên địa phương; “Bến Tre: Thủ đô xanh với sự thông minh đối với biến đổi khí hậu” với chiến lược giảm thiểu tổn thất biến đổi khí hậu, tăng thu nhập địa phương thông qua việc xây dựng năng lực cộng đồng, tạo công việc thân thiện khí hậu thông qua việc sử dụng tài nguyên tuần hoàn…/.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư