(MPI Portal) – Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng diễn ra sáng ngày 15/9/2015, bà Anabel Gonzalez, Giám đốc cạnh tranh cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, WB cam kết mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra.
Qua buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cung cấp những thông tin tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành kịp thời, mang lại kết quả khả quan cho nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong vòng 5 năm 2011-2015 đạt khoảng 6%, chỉ số kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi tương đối tốt và dần ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng cao. Các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đều được bảo đảm. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khó khăn trong thời gian qua đã hoat động trở lại với số lượng tương đối lớn. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được bảo đảm, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tình hình chung về kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu khác được kiểm soát và phát triển theo hướng tích cực.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển, Việt Nam xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, phối hợp với WB xây dựng Báo cáo VN2035 nhằm đưa ra những định hướng phát triển mang tính chiến lược, với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trao đổi về những khó khăn, thách thức của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù đã trở thành nước thu nhập trung bình, tuy nhiên để vượt qua bẫy thu nhập trung bình là thách thức lớn đối với Việt Nam. Về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên số lượng hộ nghèo vẫn còn cao. Các vấn đề về biến đổi khí hậu, giá dầu thế giới giảm,…cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp và các sản phẩm của Việt Nam nói riêng còn chậm. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu và yếu. Thể chế đã có nhiều cải thiện nhưng chưa đầy đủ để tham gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, số lao động qua đào tạo còn thấp,...
Trước tình hình đó, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, hướng tới chất lượng và hiệu quả cao. Trong đó, tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Để giải quyết các vấn đề này, Việt Nam đang thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Trước mắt, Việt Nam tập trung hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân, trong đó có có doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Hiện khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ, thông tin, thị trường,…Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó góp phần giảm thiểu khoảng cách giàu-nghèo ở Việt Nam nhằm ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế. Về chuẩn bị công tác hội nhập, tiếp tục tăng cường hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro, thách thức trong quá trình tham gia hội nhập.
Để thực hiện các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đã đề ra, Việt Nam tiếp tục tập trung ưu tiên cho đầu tư phát triển, công trình hạ tầng quan trọng phục vụ sản xuất. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, huy động vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút làn sóng đầu tư mới. Định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, Việt Nam ưu tiên các dự án có chất lượng cao, sử dụng ít tài nguyên và không gây ảnh hưởng môi trường…
Đánh giá cao những hỗ trợ to lớn, kịp thời của WB, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh hỗ trợ về tài chính, WB đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, mô hình nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời mong muốn, WB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam.
Bà Anabel Gonzalez cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian tiếp đón và có những thông tin chia sẻ quan trọng cho định hướng hợp tác sắp tới giữa Việt Nam – WB. Đồng thời chúc mừng những kết quả đạt được và đánh giá cao những kế hoạch, định hướng rõ ràng của Việt Nam. Bà Anabel Gonzalez khẳng định, WB cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đã đề ra nhằm tạo ra cơ hội thị trường, phát triển khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thu nhập cho người dân./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư