(MPI Portal) - Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam – Euromoney. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tạp chí tiền tệ Châu Âu (Euromoney) đồng tổ chức ngày 30/9/2015, tại Hà Nội.
Thưa Ngài Tô-ny Sên (Tony Shale),
Thưa Quý vị và các bạn,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi hoan nghênh sự hiện diện của đông đảo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới, cùng toàn thể Quý vị tham gia Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tạp chí tiền tệ Châu Âu (Euro Money) phối hợp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tươi đẹp của Việt Nam chúng tôi hôm nay.
Thưa Quý vị và các bạn,
Sau 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nghèo đói và kém phát triển, Việt Nam chúng tôi đã vươn lên trở thành quốc gia thuộc Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn 1986 – 2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm. Theo thống kê vừa công bố của chúng tôi, 9 tháng đầu năm 2015, GDP của Việt Nam tăng 6,5% và cả năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương (+) liên tục và khá cao trong giai đoạn này. Theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ 2 thế giới trong suốt 20 năm qua[1]. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh. An sinh xã hội và đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong đánh giá tổng kết Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), tháng 9/2015 tại New York, Việt Nam là quốc gia được đánh giá hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu MDGs.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Kim ngạch thương mại tăng bình quân khoảng 12-15%/năm, đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 600 tỷ USD. Đời sống của 90 triệu người dân Việt Nam được nâng lên, sức mua và quy mô thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2015, GDP bình quân đạt khoảng 2.230 USD/người, tính theo ngang giá sức mua (PPP) đạt trên 5.600 USD. Đến nay, tổng vốn đăng ký của đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19 nghìn dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2015, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn FDI giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2011. Nhiều Tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các Tập đoàn đến từ châu Âu đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
Thưa Quý vị và các bạn,
Thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, một thị trường năng động với quy mô 625 triệu dân, GDP khoảng 2.500 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng khá cao, dự kiến đến năm 2030 tổng GDP của ASEAN sẽ đạt 10 ngàn tỷ USD. Việt Nam đã ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đầu năm 2015 đã ký các Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU). Chúng tôi là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và dự kiến ký Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm 2015. Đến nay đã cơ bản kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các Hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
Thưa Quý vị và các bạn,
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rất rõ rằng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà còn có thể đạt được cao hơn, tốt hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, tranh thủ hiệu quả các cơ hội thuận lợi cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Thưa Quý vị và các bạn,
Tại Diễn đàn hôm nay, Quý vị sẽ thảo luận các chủ đề: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Triển vọng đầu tư FDI; Cải cách khu vực ngân hàng; Phát triển thị trường vốn; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Lĩnh vực bất động sản; Đầu tư vào nông nghiệp; Phát triển kết cấu hạ tầng và năng lượng. Đây là những chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực và phù hợp với chiến lược và yêu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tôi nhấn mạnh một số nội dung sau:
Thứ nhất, về môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam đang nỗ lực: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung vào cải thiện khuôn khổ pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là khâu thực thi; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã có hiệu lực như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Nghị định về đầu tư đối tác công-tư (PPP), Nghị định về chứng khoán và nhiều luật khác đang tiếp tục được xây dựng và ban hành trong năm 2016 với các chính sách ưu đãi cụ thể. Chúng tôi phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh như về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... ngang mức bình quân của ASEAN-4 trong năm 2016 và nhiều khả năng trong năm 2015 này chúng tôi sẽ đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN-4.
Thời gian tới, việc ký và triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như Hiệp định TPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ làm cho môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trở nên thuận lợi hơn, cạnh tranh ở tầm mức cao hơn trong khu vực. Tóm lại, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Thứ hai, về đầu tư hạ tầng theo hình thức công-tư (PPP). Chính phủ Việt Nam đã xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một đột phá trong chiến lược phát triển của mình. Chúng tôi thực hiện chương trình cải cách đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi cho tư nhân trong nước và quốc tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên cho các dự án có công nghệ cao, có công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ. Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP đã có hiệu lực sẽ tạo tiền đề để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Việt Nam đang cập nhật và sẽ sớm công bố với các nhà đầu tư danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lý chất thải, các hạ tầng đô thị lớn...
Thứ ba, về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Qua 20 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, từ số lượng hơn 12 ngàn doanh nghiệp nhà nước đến nay đã giảm khoảng 90%. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa này đều phát triển về quy mô và kinh doanh có hiệu quả. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của nhà nước. Từ 2011 đến tháng 9 năm 2015, chúng tôi đã cổ phần hóa được 350 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến trình này. Trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán. Chúng tôi đã ban hành quy định bắt buộc tất cả các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội tốt cho quý vị, đối tác nước ngoài tìm hiểu cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ tư, thị trường tài chính của Việt Nam với quy mô còn khiêm tốn. Việt Nam đang tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế đối với thị trường này. Chúng tôi đã ban hành và thực hiện quy định về mở rộng tỷ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán. Không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; Nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng từ 49% lên 100% cùng nhiều nội dung mang tính “mở” và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia...
Thưa Quý vị và các bạn,
Diễn đàn hôm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam gặp nhiều cơ hội và thách thức đan xen, chuyển hoá lẫn nhau. Với nỗ lực của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam, chúng tôi luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam chúng tôi. Đối với các doanh nghiệp của Liên minh Châu Âu EU, chúng ta thật vui mừng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho sự hợp tác thành công.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn đối thoại cởi mở, lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng từ cộng đồng doanh nghiệp để chúng ta cùng có lợi, cùng thành công trong giai đoạn phát triển mới.
Xin cảm ơn và chúc Quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công./.
[1]Báo cáo của Giám đốc WB Việt Nam tại Hà Nội 12/2014.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư