Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/10/2015-16:02:00 PM
Bài học kinh nghiệm từ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ
(MPI Portal) – Chặng đường 15 năm thực hiện MDGs không chỉ giúp Việt Nam tạo ra những kết quả đáng ghi nhận trong từng mục tiêu MDGs mà còn giúp xây dựng năng lực quốc gia và địa phương cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong việc thực hiện cam kết quốc tế về phát triển.
Toàn cảnh Lễ công bố. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)

Theo Báo cáo “Kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc công bố ngày 21/9/2015 tại Hà Nội, bài học tổng quát được đúc kết qua chặng đường 15 năm thực hiện MDGs của Việt Nam không phải đến từ một nhóm, một chính sách hay một sự thay đổi cụ thể nào mà là nỗ lực tổng thể của cả quốc gia, bao gồm toàn bộ hệ thống chính trị và người dân. Bài học tổng quát này đã được cụ thể hóa thành 2 nhóm bài học chính bao gồm nhóm bài học liên quan đến quá trình tổ chức thực hiện MDGs và nhóm bài học liên quan đến mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Thứ nhất, đóng góp vào sự thành công trong việc thực hiện cam kết MDGs của Việt Nam phải kể đến quá trình tổ chức thực hiện hiệu quả và có điều phối với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao được thể hiện ở tất cả các cấp hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, đặc biệt trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhờ có quyết tâm chính trị, Việt Nam đã thành công trong việc huy động tổng hợp các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực trong nước, nguồn lực của các tổ chức quốc tế, sự tham gia tích cực của xã hội dân sự và cộng đồng. Quyết tâm chính trị đã giúp đoàn kết dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam thành một khối thống nhất, cùng đồng tâm hiệp sức để thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển của quốc gia.

Việc quảng bá, tuyên truyền về MDGs cũng như đào tạo kiến thức lập kế hoạch có lồng ghép MDGs đã giúp cho MDGs được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam bằng hình thức như tập huấn, truyền hình, phóng sự, tờ rơi, diễn đàn, cuộc thi… để quảng bá và cung cấp thông tin kiến thức về MDGs và Mục tiêu phát triển Việt Nam (VDGs) cho các đối tượng khác nhau.

Dựa trên 8 mục tiêu MDGs và định hướng phát triển riêng của đất nước, Việt Nam đã thiết lập 12 mục tiêu phát triển riêng, được gọi là các VDGs bao gồm các mục tiêu về xã hội và giảm nghèo. Chính nhờ quá trình quốc gia hóa và ưu tiên hóa này mà Việt Nam có thể tập trung giải quyết tốt mục tiêu giảm nghèo và các mục tiêu về giáo dục, y tế cơ bản trong thời gian qua.

Việt Nam đã thực hiện tốt việc đưa những cam kết quốc tế như MDGs vào trong quá trình vận hành thực tế của quốc gia bằng cách lồng ghép sâu rộng các mục tiêu này vào những kế hoạch, chiến lược, chính sách quan trọng của quốc gia, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể cùng với việc bố trí ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu.

Ngay sau khi thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết thực hiện các mục tiêu MDGs vào năm 2000, Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào quá trình thực hiện, phân công nhiệm vụ và cơ chế rõ ràng trong giám sát, báo cáo thực hiện MDGs. Với vai trò cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện MDGs đảm bảo việc thực hiện, giám sát và báo cáo được hài hòa.

Việt Nam thực sự chú trọng đến xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm phục vụ giám sát và báo cáo trong quá trình thực hiện MDGs, các chỉ số MDGs được lồng ghép vào Hệ thống chỉ tiêu quốc gia đã giúp Việt Nam có được ngày càng nhiều thông tin hữu ích, kịp thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra định hướng trong những công việc thực hiện tiếp theo, bao gồm xác định trọng tâm thực hiện, các mô hình thành công, những điểm hạn chế cần khắc phục và điều chỉnh. Thực hiện các mục tiêu MDGs đòi hỏi sự sẵn có của những nguồn lực lớn và tập trung, đây luôn là thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đã thành công trong việc huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, bao gồm nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương. Việt Nam cũng đã rút ra được bài học quý giá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho thực hiện MDGs, đặc biệt là nguồn nội lực. Một bài học không kém phần quan trọng là phân cấp quản lý, tăng cường tính tự chủ của chính quyền địa phương cũng như thực hiện phương pháp tiếp cận “từ dưới lên” có sự tham gia và tham vấn.

Thứ hai, mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và vì người nghèo là nguyên nhân cốt lõi giúp Việt Nam đạt được thành công trong thực hiện MDGs. Ngay từ những ngày đầu lập quốc (năm 1945), Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác. Từ đó đến nay, mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và thực hiện công bằng xã hội vẫn luôn luôn được Đảng và Nhà nước theo đuổi một cách nhất quán và luôn là những nội dung hàng đầu trong các kế hoạch và chương trình phát triển quốc gia và ở các địa phương. Hệ thống chính sách của Việt Nam đã đóng góp rất lớn đến sự thành công trong việc thực hiện MDGs nhờ tính toàn diện, đa dạng và bổ sung lẫn nhau. Các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Việt Nam đã được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình phát triển theo từng ngành, từng lĩnh vực, các chính sách và chương trình đặc thù cho một số vùng địa lý và nhóm đối tượng, các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc tích cực hội nhập quốc tế và hợp tác Nam – Nam đã giúp Việt Nam huy động và chia sẻ được kinh nghiệm, kiến thức, cũng như nguồn lực cho thực hiện MDGs, đồng thời giúp tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những bài học từ việc thực hiện MDGs là kinh nghiệm quý báu cho quốc gia và phù hợp để tiếp tục áp dụng trong việc hoàn thành những nhiệm vụ MDGs còn lại cũng như thực hiện Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 SDGs mà Việt Nam đang hướng tới./.

Minh Trang
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2722
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)