Giám đốc điều hành Công ty Đường sắt Iran Mohsen Poursaeed-Aqaei ngày 13/10 cho biết Iran đang có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án đường sắt với tổng mức đầu tư 25 tỷ USD.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: en.tengrinews.kz) |
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa Iran và các đối tác nước ngoài ngày càng gia tăng.
Iran mới đây đã ban hành một loạt cơ chế ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nhằm trở thành trung tâm vận tải khu vực bằng cách thiết lập một hành lang đường sắt nối Vịnh Persian và tiểu lục địa này với Trung Á và vùng lân cận.
Bên cạnh đó, Tehran cũng đang tìm kiếm nguồn thu từ mạng lưới vận tải đường sắt nối các bờ biển trên Vịnh Persian và Biển Caspi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Iran Valiollah Afkhami-Rad cho biết nước này rất quan tâm đến công nghệ của Nhật Bản để phát triển hệ thống đường sắt cao tốc.
Theo kế hoạch, Chính phủ Iran sẽ phát triển hệ thống đường sắt từ gần 15.000km hiện nay lên 25.000km vào năm 2020.
Mạng lưới đường sắt hiện chiếm chưa đến 11% tổng doanh thu của toàn ngành vận tải ở đất nước có tổng diện tích lãnh thổ hơn 1,6 triệu km2 này.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khai kháng và Thương mại Iran Mehdi Karbasian ngày 13/10 cho biết nhiều doanh nghiệp Pháp, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc đã chuẩn bị "các gói đầu tư đặc biệt" nhằm vào lĩnh vực khai khoáng có tiềm năng lớn nhưng còn kém phát triển của nước này.
Riêng các công ty của Italy có ý định tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực thép của Tehran.
Tháng 9, Iran đã công bố kế hoạch thu hút thu hút 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài để thúc đẩy lĩnh vực khai khoáng.
Iran có tiềm năng lớn về phát triển ngành khoáng sản với trữ lượng khoáng sản ước tính khoảng 60 tỷ tấn, trong đó có 37 tỷ tấn qua kiểm chứng.
Theo ước tính của tổ chức Đổi mới và phát triển ngành khai khoáng Iran, nước này hiện nắm giữ 7% tổng trữ lượng lượng khoáng sản của thế giới, với các mỏ được phát hiện được định giá khoảng 700 tỷ USD.
Iran nằm trong tốp 10 quốc gia giàu khoáng sản nhất thế giới, với 68 loại khoáng sản, trong đó lớn nhất là các mỏ quặng đồng, kẽm và sắt./.