(MPI Portal) – Trong khuôn khổ của Dự án Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, ngày 23/10/2015, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) tổ chức Hội thảo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III năm 2015.
|
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Theo Báo cáo, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn, giá cả và lãi suất nhìn chung ổn định, xuất khẩu và đầu tư tăng nhanh trở lại, ... Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời và linh hoạt nhằm ứng phó với các tác động bất lợi của diễn biến kinh tế thế giới và khu vực trong quý III. Việt Nam đã cơ bản hoàn thành đàm phán những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như FTA với EU hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án cho biết, Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2015 được thực hiện nhằm cập nhật, phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong quý III và 9 tháng đầu năm 2015, đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2015 và đề xuất kiến nghị chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển và cải cách.
Kinh tế Việt Nam quý III/2015 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đều. IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho các năm 2015-2016 với mức tăng trưởng khiêm tốn ở các nước phát triển và suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi.
Trình bày Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2015, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong cải cách thể chế kinh tế năm 2014, tập trung vào đơn giản hóa, hợp lý hóa, giảm chi phí và các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện các luật quan trọng. Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 đã được triển khai thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết các luật còn phổ biến. Kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP còn chưa đều, một số lĩnh vực chưa có cải thiện rõ nét.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI Portal) |
Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2015 ước đạt 6,83%, cả năm dự báo đạt 6,61%. Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2015 dự báo tương ứng ở mức 10,38% và 9,66%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước đối tác nhanh hơn và Hoa Kỳ không nâng lãi suất thì tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2015 có thể đạt khoảng 10%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,5 tỷ USD trong quý IV và lũy kế đạt 4,5 tỷ USD cho cả năm 2015. CPI sẽ tăng trở lại, song chỉ ở mức 0,28% trong quý IV.
Báo cáo cũng phân tích sâu hơn những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo kế hoạch năm 2014-2015. Với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong 2 năm 2014-2015, nhiều nỗ lực đã được thực hiện như sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách. Tuy vậy, đến hết 8 tháng đầu năm 2015, cổ phần hóa mới thực hiện được khoảng 50% số doanh nghiệp.
Trong quý III và quý IV năm 2015, khung khổ thể chế và pháp luật về DNNN nói chung, cổ phần hóa nói riêng có thể có những thay đổi quan trọng. Các bộ, ngành đã tích cực, gấp rút hoàn thành quá trình soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản hướng dẫn Luật doanh nghiệp và Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có những dự thảo văn bản liên quan đến việc hình thành cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho các giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa như: Nghị định về công bố thông tin của DNNN, Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Nghị định về giám sát, đánh giá hiệu quả công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, theo đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục được mở rộng, hầu hết công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quan trọng không còn thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Báo cáo cũng đưa ra kiến nghị một số giải pháp kinh tế vĩ mô trong quý IV/2015. Trong đó, về cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh, chuyển tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP thành kết quả thực tiễn trong quý IV/2015. Hướng dẫn các Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư chất lượng và kịp thời. Theo dõi, rà soát diễn biến và hành vi cạnh tranh trên thị trường.
Về chính sách tiền tệ, tiếp tục ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu ngân hàng thương mại với mục tiêu tập trung xử lý nợ xấu, đồng thời thông điệp sớm về điều hành tỷ giá trong năm 2016, cân nhắc các quyết định truyền thông đặc biệt là các nội dung ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ.
Về chính sách tài khóa, khó giảm tính chi phối của chính sách tài khóa trong thời gian ngắn nhưng điều hành chính sách cần cân nhắc hơn đến hệ lụy, thách thức điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, tín dụng khác. Xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn và cân nhắc việc khống chế trần thâm hụt ngân sách nhà nước trong giai đoạn năm 2016-2020.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đánh giá cao Báo cáo của nhóm nghiên cứu và cho đây là tài liệu quan trọng giúp các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phù hợp, kịp thời trong quý IV/2015 và các giai đoạn tiếp theo./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư