Các quốc gia thành viên ASEAN gia tăng nhiều hành động ứng phó nhằm ngăn chặn sự tiếp diễn của nạn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững.
|
Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban thường trực và Hội nghị lần thứ 11 các nước thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ trì tổ chức Hội nghị lần thứ 11 Ủy ban Thường trực và Hội nghị lần thứ 11 các nước thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động thuộc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) lần thứ 13.
Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban thường trực Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COM 11) diễn ra vào ngày 27/10 đã rà soát lại công tác thực thi Hiệp định trong năm qua và đẩy mạnh các hoạt động vùng, đặc biệt là việc vận hành các cấp độ cảnh báo và các điểm nóng cũng như hành động ứng phó của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm ngăn chặn sự tiếp diễn của nạn ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Ngoài ra, một số vấn đề quan trọng khác cũng được bàn thảo như việc thành lập tổ công tác ASEAN về các vùng đất than bùn, huy động và giải ngân Quỹ khói mù ASEAN, xây dựng hệ thống xếp loại nguy cơ cháy và thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Hội nghị lần thứ 11 các nước thành viên tham gia Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (COP 11) hôm nay đã thảo luận và thống nhất các nội dung được chương trình nghị sự của Hội nghị COM 11 chuẩn bị và trình lên.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị này, Bộ trưởng BộNN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định Việt Nam cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước ASEAN, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững.
Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký tháng 6/2002 là hiệp định quan trọng nhằm ngăn ngừa và theo dõi tình hình ô nhiễm khói mù xuyên biên giới - là hệ lụy của các đám cháy rừng và đất mà theo đó cần phải được giảm thiểu thông qua những nỗ lực của quốc gia được xây dựng và hợp tác khu vực được tăng cường.
Đây là mục tiêu theo đuổi trong bối cảnh phát triển bền vững chung của khu vực trước xu hướng biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, tình trạng khô hạn và những thiên tai xảy ra thường xuyên./.
Đỗ Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ