Với vị trí địa lý liền kề thủ đô Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài, hệ thống giao thông thuận tiện, Phúc Yên có điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
|
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Đại Lải. (Nguồn:flamingodailai.com) |
Công nghiệp ở đây liên tục phát triển với kết quả đầy ấn tượng, biến Phúc Yên là một trung tâm sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy lớn nhất nước. Đặc biệt, ngành công nghiệp ôtô, xe máy ở địa bàn này mỗi năm góp cho Vĩnh Phúc cả chục nghìn tỷ đồng.
Địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư
Ông Vũ Việt Văn, Bí thư Thị ủy Phúc Yên cho biết, thị xã Phúc Yên được thành lập vào ngày 31/10/1905 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và là tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Yên.
Hiện Phúc Yên có diện tích hơn 12.000ha, dân số trên 103.000 người; có địa hình đa dạng, có cả nông thôn và đô thị, có vùng đồi rừng bán sơn địa và vùng đồng bằng.
Là một trong hai đô thị lớn của tỉnh hiện nay, Phúc Yên có vai trò quan trọng, là đô thị hạt nhân, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế phía Bắc.
Đặc biệt, Phúc Yên còn trong chuỗi đô thị trung tâm dọc theo đường xuyên Á và tham gia vào chuỗi đô thị phía Bắc dọc theo hành lang Côn Minh-Hạ Long.
Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda...
Chính sự có mặt của các doanh nghiệp lớn đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã, đưa Phúc Yên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Có thể nói từ khi được thành lập đến nay, thị xã Phúc Yên đã có nhiều lần chia tách, tái lập và chuyển cấp đơn vị hành chính. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên trong một thời gian dài thị xã Phúc Yên phát triển chậm, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và dịch vụ, đời sống dân cư khó khăn.
Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập (năm 1997), với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, với cơ chế thu hút đầu tư đúng đắn, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ..., Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài như Toyota, Honda... đã làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu kinh tế trên địa bàn thị xã, luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Nếu năm 2004-2005, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn mới chỉ đạt gần 9.900 tỷ đồng, đến năm 2014 đã đạt gần 84.000 tỷ đồng, tăng gần 8,5 lần.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ giảm tỷ trọng nông nghiệp. So với năm 2004, cơ cấu kinh tế của thị xã công nghiệp, xây dựng tăng từ 79,7% lên 90,22%; nông nghiệp giảm từ 3,5% xuống còn 0,46%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã năm 2011 là 12.569 tỷ đồng, đến năm 2014 thu ngân sách đạt 17.760 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt gần 20%.
Chỉ riêng nhiệm kỳ 2010-2015, các thành phần kinh tế trên địa bàn thị xã đã đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 77.000 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân đầu người ở Phúc Yên cao gấp 3 lần so với cả nước.
Phúc Yên trở thành điểm sáng về thu hút các dự án "ra tấm, ra món" và trở thành trung tâm sản xuất ôtô xe máy lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng chục lao động có thu nhập ổn định, được tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Đô thị hiện đại trong tương lai
Đến nay, hệ thống hạ tầng ở Phúc Yên phát triển mạnh, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được quan tâm đầu tư như Quốc lộ 2, đường Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường nội thị... Một số khu đô thị mới như Đồng Sơn, Xuân Hòa, Hùng Vương-Tiền Châu đang hình thành và phát triển làm cho diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh, hiện đại.
Phúc Yên giờ đây trở thành trung tâm kinh tế, du lịch, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao và đào tạo; trung tâm kinh tế công nghiệp-dịch vụ quan trọng của tỉnh và khu vực.
Ngoài ra, Phúc Yên còn có vùng sinh thái thiên nhiên khu vực Đại Lải, Ngọc Thanh và đây là điều kiện để góp phần tạo nên một đô thị trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí cho tỉnh, cả vùng và khu vực lan tỏa của Thủ đô Hà Nội mà ít đô thị trong nước có được.
Những năm qua, với chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc, Khu du lịch Đại Lải đã và đang thu hút nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm vui chơi giải trí, hệ thống biệt thự hướng ra hồ. Nhiều địa điểm ở đây là nơi nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế như Flamingo Đại Lải, sân gôn Đại Lải, khu du lịch sinh thái Âu Cơ, các biệt thự cao cấp...
Thị xã có hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh từ mầm non đến bậc đại học là điều kiện thuận lợi để đào tạo nguồn nhân lực.
Sau nhiều năm tập trung xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, tháng 01/2013, thị xã Phúc Yên đã được công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phúc Yên tiếp tục được xác định là vùng kinh tế trọng điểm; là hạt nhân đô thị của thành phố Vĩnh Phúc, một trong những trọng điểm về công nghiệp, du lịch, dịch vụ, về giáo dục-đào tạo của tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2015, thị xã đã tập trung chỉ đạo hoàn thành Đề án xây dựng thành phố Phúc Yên trực thuộc tỉnh và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đó là thành tích đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Phúc Yên chào mừng kỷ niệm 110 năm thành lập thị xã; là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của thị xã Phúc Yên trong quá trình 110 năm xây dựng và phát triển,đồng thời là tiền đề để Phúc Yên phấn đấu trở thành thành phố trong tương lai gần.
Hiện tại, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thị xã Phúc Yên đang được nâng cấp, xây mới đồng bộ và hiện đại, hình thành hệ thống đô thị thân thiện với môi trường, đáp ứng không gian sinh hoạt và nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của người dân.
Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, thị xã Phúc Yên sẽ trở thành một quận thuộc thành phố Vĩnh Phúc - trở thành một đô thị hiện đại, đô thị xanh phát triển bền vững, thân thiện với môi trường./.
Nguyễn Trọng Lịch
TTXVN/Vietnam+