Một góc thủ đô Cairo của Ai Cập. (Nguồn: AFP) Trong báo cáo thường niên vừa công bố, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's nhận định các điều kiện kinh tế và tài chính của Ai Cập đã cải thiện trong hai năm qua, song nước này vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu kinh tế.
Báo cáo của Moody's nhấn mạnh thâm hụt ngân sách ngày một cải thiện, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn và lạm phát chậm lại là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Ai Cập đang dần phục hồi. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng nguồn cung năng lượng bấp bênh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số đang kiềm chế sự tăng tưởng kinh tế của đất nước Kim tự tháp.
Ai Cập đã đưa ra chương trình cải cách tài khóa kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 6/2014, trong đó có việc cắt giảm các khoản trợ giá và áp dụng các mức thuế mới nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách đang ngày càng gia tăng.
Thâm hụt ngân sách của Ai Cập trong tài khóa kết thúc cuối tháng 6/2015 ở mức 11,5% GDP, giảm nhẹ so với mức 12,8% GDP của tài khóa trước đó. Chính phủ Ai Cập hy vọng sẽ giảm tỷ lệ thâm hụt này xuống còn 8,9% GDP vào cuối tài khóa 2016.
Moody's cho rằng Cairo có đạt được mục tiêu này hay không phụ thuộc vào việc thực thi chính sách tài khóa trong thời gian tới. Theo cơ quan này, việc thực thi kế hoạch áp thuế giá trị gia tăng (VAT) trước cuối năm 2015 sẽ giúp cải thiện tình trạng thâm thủng ngân sách của Ai Cập.
Bộ Tài chính Ai Cập cho biết thuế VAT nếu được thi hành vào cuối năm nay sẽ giúp bổ sung khoảng 3,8 tỷ USD vào ngân sách nước này. Theo báo cáo của Moody's, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Ai Cập ở mức 4,5% trong tài khóa 2014/2015 và dự kiến đạt 5% trong tài khóa 2015-2016.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi hy vọng kế hoạch cải cách ngân sách và các đại dự án sẽ là nhân tố then chốt thúc đẩy nền kinh tế. Moody's nhận định dự án mở rộng kênh đào Suez sẽ góp giúp tăng thu ngân sách, nhờ đó bức tranh ngân sách của Ai Cập sẽ sáng hơn trong trung hạn.
Moody's cũng cho rằng mặc dù Cairo đã đạt được một số kết quả tại Hội nghị Phát triển Kinh tế Ai Cập diễn ra hồi tháng 3/2015 ở thành phố du lịch Sharm El-Sheikh, song bất ổn an ninh vẫn đang là thách thức đối với kinh tế Ai Cập.
Bên cạnh đó, sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng, chi tiêu ngày càng tăng của chính phủ và tình trạng mất cân đối cán cân thanh toán cũng là những thách thức lớn đang tác động tiêu cực đến kinh tế Ai Cập. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 12,7% trong quý 2/2015 nhưng vẫn ở mức cao hai con số./.
Nguyễn Trường
TTXVN/Vietnam+