Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 10/11, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong 6 tháng đầu tài khóa 2015 (từ tháng 4-9) đã tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kể từ 6 tháng đầu tài khóa 2010, nhờ mức tăng trưởng đáng kể từ ngành du lịch và giảm nhập khẩu do giá dầu thô thế giới đi xuống.
|
Một container tại bến tàu Tokyo. (Nguồn: AFP)
|
Thặng dư tài khoản vãng lai (cán cân tài khoản vãng lai) là một trong những chỉ số bao quát nhất về buôn bán quốc tế của một nước.
Trong 6 tháng đầu tài khóa 2015, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt gần 8.694 tỷ yen (khoảng 70,59 tỷ USD), tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức thặng dư trên cũng được hỗ trợ bởi thu nhập từ nước ngoài đã tăng trở lại trong bối cảnh đồng yen yếu.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, thâm hụt thương mại hàng hóa giảm mạnh 90,6%, xuống mức 419,7 tỷ yen so với cùng kỳ năm trước, khi xuất khẩu tăng 2,8%, lên mức 37.220 tỷ yen và nhập khẩu giảm 7,4%, xuống mức 37.640 tỷ yen.
Kim ngạch nhập khẩu Nhật Bản giảm mạnh do giá dầu thô thế giới lao dốc tới 34%, đã hỗ trợ đáng kể cho mức thặng dư trên, trong bối cảnh nước này đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn năng lượng nhập khẩu sau thảm hoạ động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011, gây ra cuộc khủng hoảng điện hạt nhân làm toàn bộ các lò phản ứng điện hạt nhân ngừng hoạt động.
Đồng yen yếu cũng giúp Nhật Bản thu hút khách du lịch nước ngoài với mức thặng dư lên đến 608,5 tỷ yen, trong khi năm 2014 mức thặng dư chỉ 12,8 tỷ yen.
Trong đó, số lượng khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản đã tăng 50,9% lên mức 10,36 triệu lượt khách, trong khi số lượng người Nhật đi du lịch nước ngoài giảm 4,6%, xuống còn 8,09 triệu lượt khách.
Trong vòng một năm qua, đồng yen đã giảm tới 18,3% so với đồng USD, xuống mức bình quân 121,87 yen/USD./.