Ngày 12/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba Gustavo Rodríguez và người đồng cấp Mỹ Thomas Vilsack đã có buổi hội đàm tại thủ đô La Habana, trong đó hai bên đã thảo luận khả năng tăng cường thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phần nào vượt qua những trở ngại do cuộc bao vây cấm vận kinh tế mà chính Mỹ áp đặt lên Cuba từ hơn nửa thế kỷ qua.
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Ricardo Cabrisas Ruiz (thứ 2, trái) hội đàm với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack (thứ 2, phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn nguồn báo điện tử chính thức Cubadebate cho biết phái đoàn Mỹ cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của Cuba theo mô hình hợp tác xã kiểu mới trong quá trình Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội.
Trước đó, khi trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm chính thức Cuba, Bộ trưởng Vilsack từng thừa nhận xuất khẩu nông sản và lương thực của Mỹ sang Cuba đã giảm liên tục trong những năm qua, do bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những rào cản về luật lệ và tài chính mà “chính phủ của Tổng thống Obama đang cố gắng loại bỏ.”
Tuy nhiên, ông Vilsack vẫn để ngỏ khả năng Washington sẽ loại bỏ lệnh cấm giao dịch bằng tiền mặt với các doanh nghiệp Cuba, theo đó “các đối tác Cuba sẽ được phép thanh toán như bất kỳ đối tác nào khác mà không phải qua một nước thứ ba” và các ngân hàng của hai nước “có thể giao dịch trực tiếp với nhau.”
Quan chức này cũng thừa nhận một khi các hạn chế trên được loại bỏ, những người được hưởng lợi nhiều nhất chính là các nhà sản xuất nông nghiệp các bang miền Đông Nam nước Mỹ như Alabama, Georgia, Arkansas, Texas, Bắc Carolina và Mississippi.
Từ năm 2000, Mỹ đã cho phép các doanh nghiệp nước này được phép xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang Cuba như một ngoại lệ của chính sách cấm vận, nhưng vẫn không cho phép giao dịch qua ngân hàng mà buộc phải trả tiền theo Luật Cải cách trừng phạt thương mại và Điều chỉnh xuất khẩu (TSREEA). Do đó, sau những năm đầu tăng trưởng thuận lợi và đạt doanh thu 710 triệu USD hồi năm 2008, những doanh nghiệp này ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ từ các quốc gia khác do những hạn chế tài chính ngặt nghèo của Chính phủ Mỹ.
Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, giá trị xuất khẩu lương thực của nước này sang Cuba năm 2014 chỉ đạt 291 triệu USD với các sản phẩm chủ yếu là gà đông lạnh, ngô, đậu tương. Con số trên giảm so với mức 349 triệu của năm 2013 và trong nửa đầu năm nay, chỉ số này tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 119 triệu USD.
Trong khi đó, Cuba vẫn đang phải nhập khẩu mỗi năm từ 60-70% lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ trong nước, và theo ước tính năm ngoái, nước này đã chi khoảng 2 tỷ USD để mua lương thực từ nước ngoài và trong năm nay, con số này có thể lên mức 2,2 tỷ USD. Vì lý do trên, hiện các tập đoàn nông nghiệp đang đi đầu trong giới doanh nghiệp Mỹ trong việc vận động Quốc hội nước này nới lỏng và tiến tới xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận phi lý chống Cuba./.