(MPI Portal) - Sáng ngày 17/11/2015, tại Quảng Ninh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo “Công bố Kế hoạch tăng trưởng xanh và khởi động dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Hạ Long”.
|
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc
Hội thảo
|
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, các Sở, ban ngành trực tiếp liên quan đến việc triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ninh bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, đại diện UBND một số huyện và các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương.
Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có nhiều điểm đặc thù với nhiều cơ hội và lợi thế cạnh tranh để hướng tới phát triển bền vững, có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện cơ chế chính sách còn hạn chế đã nảy sinh tình trạng phát triển thiếu cân đối, gia tăng khả năng dẫn đến mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển dịch vụ trên cùng một địa bàn, suy giảm chất lượng môi trường, Quảng Ninh đứng trước những thách thức về phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh và quốc phòng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tăng trưởng xanh của tỉnh (Kế hoạch số 3741/KH-UBND ngày 9/7/2014) và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh. Quảng Ninh là một trong ba tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh từ tháng 7/2015. Trên cơ sở các quy hoạch chiến lược của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020, từ cuối năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch tăng trưởng xanh của tỉnh. Ngày 16/11/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 6970/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giới thiệu khái quát về tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cho biết “Mục tiêu của tỉnh là phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn lực và giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới nền kinh tế cac-bon thấp. Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và xây dựng Quảng Ninh là nơi cần đến và đáng sống của mọi người.”
Tại Hội thảo, ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh trình bày Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể cần thực hiện như: Nâng cao nhận thức, năng lực và thể chế, tăng cường xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững...
|
Ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh trình bày Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2016-2020
|
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe phần trình bày của Nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản về Dự án Xây dựng thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và tăng cường hệ thống quản lý môi trường hướng tới bảo tồn bền vững vịnh Hạ Long, kinh nghiệm của tỉnh Shiga (Nhật Bản) về bảo tồn môi trường nước hồ Biwa và chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày về hợp tác thực hiện tăng trưởng xanh với tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp hữu cơ.
|
Nhóm chuyên gia JICA trình bày các nội dung về thực hiện tăng trưởng xanh
|
Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh do thế mạnh của tỉnh là phát triển du lịch chủ yếu là khai thác Vịnh Hạ Long, trên cơ sở kế thừa kết quả và bài học kinh nghiệm bảo tồn môi trường nước hồ Biwa của Nhật Bản cần nâng cao nhận thức, đào tạo và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp ngành du lịch của tỉnh vào việc thực hiện tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tăng trưởng xanh. Đại diện Hội Phụ nữ tỉnh cho biết, đây là Hội thảo có ý nghĩa thiết thực đối với tăng trưởng xanh và xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể có sự tham gia của cộng đồng thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường xung quanh khu vực Vịnh Hạ Long và mong muốn các chuyên gia hỗ trợ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng cũng như các doanh nghiệp khai thác du lịch. Đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn có sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản trong nghiên cứu, xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp xanh cho tỉnh Quảng Ninh.
|
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
|
Theo các chuyên gia Nhật Bản, cần xây dựng các tài liệu truyền thông về tăng trưởng xanh, cơ sở dữ liệu về môi trường để định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng các quy định pháp luật, xây dựng lối sống theo hướng tăng trưởng xanh, đồng thời đánh giá cao năng lực lãnh đạo, sự quyết tâm thực hiện của UBND và các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Ninh và đề nghị tỉnh cần phân chia cụ thể các hạng mục đầu tư cũng như huy động các nguồn vốn để cho các doanh nghiệp vay thực hiện tăng trưởng xanh.
Kết luận Hội thảo, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các nội dung trình bày và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh và trân trọng cám ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ và đồng hành với tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua./.
Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường