Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/12/2015-11:13:00 AM
Tổng quan môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam
(MPI Portal) – Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra ngày 01/12/2015, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về tổng quan môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Nhìn chung, các doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tính cạnh tranh. Trong năm 2015, hàng loạt các luật mới có hiệu lực: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành.

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) cho biết, năm 2015 là một năm quan trọng đối với Việt Nam và mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác Châu Âu. Việc đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) trong cùng năm với Kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao song phương là một bước tiến quan trọng cho tương lai của quan hệ thương mại Châu Âu – Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh kinh tế Á-Âu và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có vị thế thuận lợi nhất hưởng lợi từ hoạt động thương mại quốc tế. Mở cửa thị trường cho các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giúp Việt Nam nâng cao kỹ năng và công nghệ, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Qua đó, EuroCham nhấn mạnh 5 vấn đề chính cần được giải quyết để tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thương mại toàn cầu, đồng thời đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam: Bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả; Cải thiện hậu cần (logistics) một cách bền vững; Cải thiện hệ thống pháp luật qua việc mở rộng và cải thiện cách thức làm việc, đặc biệt là sở hữu trí tuệ và thủ tục tư pháp; Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và cung cấp thêm nhiều lựa chọn an toàn thực phẩm và dược phẩm; Tăng cường phối hợp giữa các địa phương để đảm bảo thống nhất thực thi pháp luật và các chính sách.

Bà Sherry Boger, Chủ tịch AmCham tại Diễn đàn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) đánh giá, Việt Nam rất thành công trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu nói chung và với Hoa Kỳ nói riêng. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng trưởng 20% đạt 45 tỷ USD và có thể kỳ vọng đạt 80 tỷ USD vào 2020. Hơn nữa, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ (chiếm 22%) trong khi Việt Nam xếp thấp nhất trong các nước ASEAN-6 về nhập khẩu từ Hoa Kỳ với khoảng 6,7 tỷ USD năm 2015. Hiện tại, doanh số của các công ty hội viên AmCham và các đối tác tại thị trường nội địa tiếp tục tăng.

Khi TPP được thực thi, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất với dự báo kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 28,4% và GDP tăng trưởng cao. Đại diện AmCham nhấn mạnh, mỗi quốc gia cần có quy trình và thủ tục riêng để đạt được phê chuẩn TPP. Cụ thể, các cơ quan trung ương và địa phương Việt Nam cần nâng cao cạnh tranh và đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục trong cung cấp dịch vụ công; Giáo dục cho sinh viên tốt nghiệp có khả năng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc; Tăng cường giá trị thặng dư của các doanh nghiệp khi tham gia dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu; Tăng cường năng lực bảo đảm an toàn thực phẩm – vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật; Thống nhất khung khổ pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng; Thúc đẩy thực hiện các quyền lao động đã được quốc tế công nhận…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Diễn đàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, lĩnh vực hải quan đã tiếp tục có nhiều nỗ lực cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nhiều tiến bộ đạt được trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, minh bạch trong tiếp cận thông tin pháp luật và thủ tục hải quan, cải cách, hiện đại hóa theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Năm 2015, ngành hải quan đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như hoàn thiện hệ thống luật pháp về hải quan theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai hệ thống thông quan tự động trên phạm vi toàn quốc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin… Những biện pháp này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của ngành hải quan trên nhiều phương diện: Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực hải quan; Tiếp tục đơn giản hóa một số thủ tục hải quan; Cải thiện quy trình và các thủ tục liên quan đến thuế; Nâng cao hiệu quả phương thức, phương tiện quản lý hải quan, trình độ chuyên môn, thái độ của công chức hải quan; Hoạt động quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…

Trong lĩnh vực thuế, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, pháp luật thuế nhằm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016. Những nỗ lực cải cách của ngành thuế đang phát huy tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong muốn ngành thuế cần tiếp tục có những nỗ lực cải cách hơn nữa thông qua việc xây dựng chính sách, pháp luật thuế minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện; Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về chính sách, pháp luật thuế mới; Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp; Thực hiện liên thông giữa cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan; Đơn giản hóa các biểu mẫu kê khai thuế; Thống nhất thực hiện các thủ tục về thuế; Minh bạch hóa công tác thanh tra, kiểm tra…

Tại Diễn đàn, các nhóm công tác trình bày về 4 lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, ngân hàng và thị trường vốn; Nông nghiệp, giáo dục – đào tạo, nguồn nhân lực và quản trị minh bạch; Cơ sở hạ tầng, ô tô – xe máy và khoáng sản. Qua đó nêu lên những khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ Việt Nam về những tồn tại, hạn chế trong quá trình kinh doanh, đồng thời nhận được phản hồi từ đại diện cơ quan hữu quan Việt Nam./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4166
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)