Trong một động thái gây bất ngờ, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 18/12 đã quyết định mở rộng quy mô chương trình mua tài sản nhằm thúc đẩy chính sách nới lỏng tiền tệ, cũng như duy trì sự phục hồi kinh tế của nước này.
|
Trụ sở BOJ. (Nguồn: Reuters)
|
Theo thông báo được đưa ra sau cuộc họp của BOJ, ngoài chương trình mua tài sản khoảng 3.000 tỷ yen mỗi năm như hiện nay, ngân hàng sẽ xây dựng một chương trình mới, dự kiến triển khai vào tháng 4/2016, nhằm tăng quy mô quỹ mua tài sản (trong đó có cổ phiếu và trái phiếu) thêm khoảng 300 tỷ yen (tức 2,5 tỷ USD) mỗi năm.
Để hạ lãi suất dài hạn, cũng như giúp các công ty tăng nguồn dự trữ, từ năm tới, BOJ cũng sẽ tăng thời hạn trái phiếu chính phủ lên 7-12 năm so với kỳ hạn 7-10 năm như hiện nay.
Bên cạnh đó, BOJ duy trì chính sách tăng lượng cung tiền cơ bản khoảng 80.000 tỷ yen/năm thông qua chương trình mua tài sản. Thông báo của BOJ cũng cho biết ngân hàng duy trì đánh giá kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi vừa phải, mặc dù kim ngạch xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng do tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đang suy giảm.
Theo Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, các biện pháp mới sẽ BOJ có thể điều chỉnh nhanh chóng khi cần thiết để sớm đạt mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng đề ra.
Phản ứng trước động thái trên của BOJ, chỉ số chứng khoán Nikkei tăng thêm 500 điểm, nhưng nhanh chóng "bốc hơi" và quay đầu giảm mạnh, cho thấy những phản ứng khó lường của thị trường đối với các biện pháp mới. Trong khi đó, đồng đôla Mỹ (USD) tiếp tục tăng so với đồng yen, đạt mức 123 yen đổi 1 USD.
Quyết định trên của BOJ cũng cho thấy diễn biến trái ngược giữa tình hình kinh tế Nhật Bản và Mỹ khi ngày 16/12 vừa qua Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ lần đầu tiên sau gần một thập kỷ nâng lãi suất, một động thái báo hiệu sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Mỹ.
Kinh tế Nhật Bản đã tránh được đà suy thoái khi Tổng sản phẩm quốc nội tăng 1% trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo trong quý 4 năm nay, kinh tế nước này sẽ tăng ở mức khiêm tốn giữa lúc có nhiều lo ngại kinh tế Trung Quốc - một trong những nước nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản - giảm tốc, trong khi tiêu dùng cá nhân tăng chậm./.