(MPI Portal) - Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 12/2015, số doanh nghiệp được thành lập mới là 7.901 doanh nghiệp với số vốn đăng ký: 62.848 tỷ đồng, giảm 15,1% về số doanh nghiệp và tăng 19,5% về số vốn đăng ký so với tháng 11 năm 2015.
Trong tháng 12/2015, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 8,0 tỷ đồng, tăng 40,9% so với tháng trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 155,32 nghìn lao động, giảm 2,6% so với tháng trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động của cả nước là 999 doanh nghiệp, tăng 20,8% so với tháng 11 năm 2015. Số doanh nghiệp gặp khó khăn là 8.615 doanh nghiệp, tăng 80,6% so với tháng trước, trong đó: 1.170 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 7.445 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Số doanh nghiệp trước tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký nay quay trở lại hoạt động trên cả nước là 2.860 doanh nghiệp, tăng 16,8% so với tháng 11 năm 2015.
Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.452.543 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 601.519 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 851.024 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.471,92 nghìn lao động, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập theo vùng trong năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, cho thấy duy nhất khu vực Tây Nguyên là có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 4,6%, các khu vực khác đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, bao gồm các khu vực là Đồng bằng Sông Hồng tăng 31,4%, tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tăng 28,4%, Đông Nam Bộ tăng 27,8%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 24,2% và Đồng bằng Sông Cửu Long tăng 19,4%.
Trong năm 2015, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng ở tất cả các ngành, lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2014. Một số ngành có tỷ lệ tăng cao trên 50%, gồm có: Kinh doanh bất động sản tăng 86,2%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 62,3%, Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 59,3%.
Trong năm 2015, cả nước có 21.506 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký nay quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các giải pháp của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương được ban hành đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.
Trong năm qua, tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các vùng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ tăng nhiều nhất là 133,0%, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 80,1%, Trung du và miền núi phía Bắc tăng 49,9%, Tây Nguyên tăng 38,2%, Đông Nam Bộ tăng 32,8% và Đồng bằng Sông Hồng tăng 17,0%.
Trong năm 2015, phân theo ngành, lĩnh vực hoạt động cho thấy số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các ngành so với cùng kỳ năm trước là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 107,3%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 99,3%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 97,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 77,5%; Thông tin và truyền thông tăng 64,9%; Giáo dục và đào tạo tăng 60,9%;.../.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư